Thị trường thế giới có nhu cầu thu gom nữ trang, nhưng ưa chuộng loại có hàm lượng vàng cao mà không đòi hỏi nhiều về độ tinh xảo của sản phẩm. Ảnh: Lan Anh |
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm tính đến 30/6 đạt 1,203 tỷ USD; riêng tháng 6 xuất tới 806,255 triệu USD, tăng 133% so với tháng trước.
Chiếm đại đa số trong nhóm hàng này là vàng trang sức và với giá vàng nguyên liệu khoảng 50 triệu USD mỗi tấn hiện nay, lượng xuất đi trong tháng 6 ước đạt hơn 14 tấn và trong cả 6 tháng đầu năm là hơn 24 tấn.
Một nguồn tin từ Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cho biết, xuất khẩu sôi động nhất vào tháng 5 và tháng 6, khi giá trong nước thấp hơn nhiều so với thế giới, giúp doanh nghiệp thu lãi trên 2 tỷ đồng mỗi tấn. Hoạt động này có thể chậm lại trong tháng 7, do chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới đang thu hẹp dần.
"Tuy nhiên, kim ngạch trong nửa đầu tháng này cũng phải đạt vài trăm triệu đôla, tương đương 6-7 tấn", nguồn tin này nói.
Các doanh nghiệp tính toán, chi phí xuất mỗi lượng vàng hiện vào khoảng gần 200.000 đồng, bao gồm thuế, chi phí gia công và vận chuyển. Để có lãi, giá vàng trong nước phải cao hơn thế giới ít nhất 200.000 đồng mỗi lượng. Giá vàng trong nước sáng nay đã chạm đỉnh 39,54 triệu đồng một lượng, thấp hơn thế giới chưa đầy 100.000 đồng.
"Tuy nhiên lượng vàng thu gom trong dân những ngày qua rất lớn, doanh nghiệp sẽ phải tìm cơ hội xuất khẩu để phân tán rủi ro và thu lợi nhuận", nguồn tin này nói thêm.
Cơ quan quản lý lo có chuyện biến tướng xuất khẩu nữ trang thô để lách quy định hạn chế xuất khẩu vàng nguyên liệu. Ảnh: Lan Anh |
Xuất khẩu vàng được xem là một cứu cánh giúp cán cân ngoại thương của Việt Nam 6 tháng đầu năm bớt u ám. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này chỉ đạt 20,6 triệu USD và 6 tháng đầu năm đạt 425,5 triệu USD. Nhờ xuất siêu vàng tới gần 800 triệu USD, nên tỷ lệ nhập siêu của cả nước giảm mạnh, từ mức trên 20% kim ngạch xuất khẩu trước đó xuống vỏn vẹn 15,7% đến cuối tháng 6.
Việt Nam vẫn hạn chế xuất khẩu vàng miếng và nguyên liệu thông qua cơ chế cấp quota cho một số đầu mối. Trong khi đó, nữ trang được coi là một loại hàng hóa thông thường, được khuyến khích sản xuất và xuất khẩu nhằm phát triển các làng nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm trong nước. Vì vậy, xuất khẩu nữ trang thời gian qua không cần giấy phép và từng được áp thuế 0%.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Nam Phi đã soán ngôi Thụy Sĩ trở thành thị trường xuất khẩu vàng lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 470,6 triệu USD trong tháng 6 và 692,8 triệu USD trong 6 tháng đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu vào Thụy Sĩ đứng thứ hai, đạt 316,7 triệu USD trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm đạt 391,2 triệu tấn. Thụy Sĩ vẫn duy trì thuế nhập khẩu 0% và được các doanh nghiệp Việt Nam ưa chuộng khi chọn nơi xuất nhập khẩu kể cả vàng miếng, nguyên liệu hay nữ trang. |
Song điều cơ quan chức năng lo ngại chính là nguy cơ vàng nguyên liệu bị xuất đi dưới dạng trang sức, mỹ nghệ. Thực tế đã có trường hợp xuất khẩu mỹ nghệ là con trâu bằng vàng hàm lượng trên 99%.
Báo Financial Times từng phản ánh hiện tượng hàng tỷ đôla trang sức chất lượng cao được nhập từ Việt Nam sang Thụy Sĩ, rồi nấu chảy và đúc lại thành vàng miếng, vàng nguyên liệu.
Đầu năm nay, Bộ Tài chính quyết định áp thuế xuất khẩu 10% thay vì 0% với nữ trang hàm lượng vàng 99%. Trong dự thảo Nghị định quản lý Kinh doanh vàng trình Chính phủ cuối tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đề xuất giảm hàm lượng này xuống còn 20K (tương đương hàm lượng 83,3%). Nếu điều này thành sự thật, doanh nghiệp sẽ phải mất thêm công "hạ tuổi vàng" và lượng vàng hao hụt trong quá trình gia công sẽ lớn hơn.
Ủng hộ quan điểm cần hạn chế nguy biến tướng trong hoạt động xuất khẩu nữ trang, tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Đỗ Minh Phú cho rằng nếu thắt chặt quá sẽ gây khó cho các doanh nghiệp hoạt động chân chính. Theo ông, với quy định hiện hành, để thu được một đồng lợi nhuận từ xuất khẩu nữ trang, doanh nghiệp phải bỏ ra tới hai đồng bao gồm chi phí gia công, vận chuyển và thuế.
"Các nước trên thế giới đang tăng cường mua trang sức dưới các dạng khác nhau. Họ không đòi hỏi cao về độ tinh xảo của sản phẩm, nhưng rất chuộng loại có hàm lượng vàng cao, càng cao càng tốt để khi cần có thể chuyển đổi thành vàng nguyên liệu", ông Phú nói. DOJI là một trong những đơn vị dẫn đầu về xuất khẩu nữ trang.
Theo ông, cần khuyến khích xuất khẩu nữ trang, không chỉ vì tạo công ăn việc làm trong nước, mà còn giúp tăng nguồn thu ngoại tệ một cách nhanh chóng. Một lô vàng xuất khẩu, thông thường chỉ sau 3 ngày doanh nghiệp được thanh toán 70-80% và chậm nhất trong vòng một tuần được thanh toán toàn bộ. Mặt khác, khi giá trong nước thấp hơn thế giới, nếu không xuất được qua đường chính ngạch, vàng sẽ chảy ra ngoài qua đường tiểu ngạch hoặc thậm chí xuất lậu, làm thất thu thuế của Nhà nước và không kiểm soát được nguồn ngoại tệ.
Trong công văn gửi Ngân hàng Nhà nước tham gia góp ý cho dự thảo Nghị định quản lý Kinh doanh vàng, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cũng đề nghị cân nhắc lại hàm lượng vàng khi xuất khẩu. Hiệp hội đề nghị không nên áp dụng tỷ lệ từ 20K (83,3%) trở lên, mà chỉ áp dụng theo quy định hiện hành (tức là từ 99% trở lên).
Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của VnExpress, đề nghị này khó được chấp nhận. Thậm chí Ngân hàng Nhà nước còn muốn siết chặt hơn, và có thể đề xuất áp thuế ngay từ tỷ lệ 80% trở lên.
Song Linh - Minh Khuyên