Thông tin trên tờ Financial Times cho biết hai năm trở lại đây nở rộ trào lưu các thương nhân Việt Nam xuất vàng trang sức hàm lượng cao sang Thụy Sĩ, như một "mẹo" để lách luật hạn chế và cấm xuất khẩu vàng miếng của cơ quan quản lý trong nước.
Sau khi xuất sang Thụy Sĩ, số vàng trang sức này được đun chảy và đúc thành vàng thỏi như bình thường. Sở dĩ Thụy Sĩ được các doanh nghiệp Việt "tín nhiệm" vì lâu nay, quốc gia Bắc Âu này nổi tiếng với ngành công nghiệp đun chảy, biến mọi sản phẩm làm từ vàng như nhẫn hay cả chân nến thành các thỏi vàng chất lượng quốc tế.
Số liệu cho thấy trước 2008, Việt Nam chỉ xuất một lượng nhỏ, 3,2 tấn vàng trang sức sang Thụy Sĩ, thu về 71 triệu franc (77,5 triệu USD).
Tuy nhiên, tình hình đột ngột thay đổi trong hai năm trở lại đây, khi Việt Nam trở thành nguồn nhập khẩu các sản phẩm từ vàng lớn nhất và duy nhất của Thụy Sĩ. Hầu hết nữ trang vàng xuất xứ từ Việt Nam đều có chung một đích đến là những lò nung chảy của các công ty tinh chế lớn như Argor-Heraeus, Metalor, MKS Finance và Valcambi.
Cameron Alexander, chuyên gia phân tích của hãng tư vấn kim loại quý GFMS giải thích: "Ở Việt Nam, các doanh nghiệp không được thoải mái xuất khẩu vàng miếng hàm lượng cao. Do đó họ xoay xở bằng cách hô biến chúng thành vàng trang sức rồi xuất khẩu như bình thường. Đây là một lỗ hổng trong chính sách quản lý của Việt Nam và nhiều người đã lợi dụng nó sẽ thu về lượng ngoại tệ khổng lồ".
Riêng năm ngoái, Việt Nam đã xuất gần 61 tấn kim loại quý vào Thụy Sĩ, hầu hết dưới dạng sản phẩm làm từ vàng vào nước này, thu về 2,6 tỷ franc Thụy Sĩ (tương đương 2,8 tỷ USD), theo Cục Hải quan Liên bang Thụy Sĩ. Còn theo thống kê năm 2009, hai con số này lần lượt là 54 tấn và 1,9 tỷ franc.
Tất cả các số liệu này không bao gồm lượng xuất vàng miếng, vốn được xem là "vàng tiền tệ". Lượng vàng trang sức từ Việt Nam sang Thụy Sĩ đặc biệt tăng mạnh trong những thời điểm hiếm hoi, khi giá vàng tại Việt Nam thấp hơn thị trường quốc tế.
Hasan Demir, một đại diện của phòng thống kê hải quan Thụy Sĩ nói : "Giá vàng leo thang liên tục trong những năm gần đây, cộng thêm việc sự mất giá tiền đồng, khiến những người sở hữu vàng ở Việt Nam ngày càng muốn bán vàng”.
Bị hạn chế xuất vàng miếng, doanh nghiệp tìm cách xuất nữ trang hàm lượng cao. Ảnh minh họa: Daylife |
Đại diện một doanh nghiệp là thành viên Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam xác nhận với VnExpress có hiện tượng doanh nghiệp phải đi đường vòng để xuất khẩu mỗi khi giá trong nước thấp hơn nhiều so với thế giới. Vị đại diện này cho biết, 2 năm 2009-2010, doanh nghiệp phải có quota mới được xuất khẩu vàng miếng, mà quota chỉ cấp theo đợt với số lượng có hạn. Trong khi đó, xuất khẩu nữ trang dễ dàng hơn mà không bị đánh thuế. Vì vậy, không ít đơn vị đã chế tác vàng miếng thành nữ trang hàm lượng cao để xuất đi. Giá bán cho đối tác bên Thụy Sĩ được tính theo giá vàng miếng.
"Mất thêm chút tiền gia công, nhưng bù lại là chênh lệch giá trong nước và thế giới lớn, doanh nghiệp xuất khẩu đi vẫn có lời, thu được ngoại tệ. Chính việc quản lý ngặt nghèo buộc doanh nghiệp phải làm như vậy", vị đại diện doanh nghiệp nói. Ông cho biết, năm 2009-2010, có đơn vị xuất một lúc 7-8 tấn nữ trang và số liệu công bố của phía Thụy Sĩ khá sát với thực tế.
Hơn ai hết, cơ quan quản lý cũng nắm rõ việc các doanh nghiệp hô biến vàng miếng thành trang sức chất lượng cao để xuất khẩu. Vì vậy, từ 1/1/2011, các bộ ngành liên quan cùng Bộ Tài chính đã thống nhất áp dụng thuế suất 10% với các loại vàng nguyên liệu, miếng, thỏi, dạng bột và trang sức có hàm lượng cao, thay cho mức cũ là 0%.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2010, kim ngạch nhập khẩu đá quý, kim loại quý và các sản phẩm đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 124,7% so với năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu nhóm hàng này đạt kim ngạch 2,82 tỷ USD, tăng 3,4%. Còn trong năm 2009, xuất khẩu nhóm hàng này đạt 2,73 tỷ USD trong khi nhập khẩu chỉ đạt 492,1 triệu USD.
Bên cạnh xuất lậu hoặc lách luật để xuất, Financial Times cho biết ở Việt Nam còn có hiện tượng nhập lậu vàng. "Kể từ khi có lệnh cấm nhập khẩu, người ta càng tìm mọi cách để buôn lậu. Trong vài năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy một lượng lớn vàng được tuồn vào Việt Nam từ biên giới với các nước Thái Lan, Lào và Campuchia, bên cạnh nguồn nhập từ Trung Quốc", chuyên gia phân tích của GFMS, Cameron Alexander nói. Số liệu chính thức từ Việt Nam cho thấy trong hai năm vừa rồi, lượng xuất ròng vàng miếng đạt con số 2 đến 3 tỷ USD, chủ yếu đi Thụy Sĩ. Trong khi đó, số liệu từ Hội đồng vàng Thế giới lại ghi nhận lượng nhập ròng 2 đến 3 tỷ USD. Hiện tượng số liệu không đồng nhất này là kết quả của sự "tháo chạy nguồn vốn", khi người Việt Nam bán tiền đồng để mua vàng, vốn được nhập lậu vào Việt Nam và không hiển thị trên số liệu thống kê chính thức, các chuyên gia kinh tế nhận định. |
Thanh Bình - Song Linh