Xuất khẩu vàng tăng giảm thất thường, phụ thuộc vào diễn biến giá và chính sách quản lý xuất khẩu vàng của nhà nước. Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm tháng 6 đạt 630 triệu USD, nâng tổng kim ngạch từ đầu năm đến nay lên mức 1,027 tỷ USD. Kết quả này giảm gần một phần ba so với cùng kỳ, nhưng vẫn đáng chú ý trong bối cảnh thị trường vàng Việt Nam thời gian qua.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp vàng bạc quy mô lớn ở phía Bắc xác nhận với VnExpress, chỉ tính nửa đầu tháng, lượng nữ trang xuất khẩu đã đạt 10 tấn, tương đương gần 500 triệu USD, đại đa số là nữ trang hàm lượng vàng dưới 99%. Tính chung từ đầu năm đến 15/6, khoảng 20 tấn nữ trang dạng này đã được xuất đi.
Xu hướng tăng xuất khẩu nữ trang trở lại xuất hiện từ tháng 4, sau hơn nửa năm èo uột do giá không thuận lợi và cú sốc về thuế. Kim ngạch xuất khẩu của cả nhóm đá quý, kim loại quý đạt 86 triệu USD trong tháng 4, tăng hơn 3 lần tháng 3 và tiếp tục tăng mạnh hơn trong tháng 5, lên mức 242 triệu USD.
Đây cũng là khoảng thời gian giao dịch trong nước trầm lắng do Chính phủ công bố chủ trương siết chặt quản lý, Ngân hàng Nhà nước cũng mạnh tay dẹp loạn trên thị trường vàng và ngoại tệ tự do. Trong Nghị quyết 11 ban hành hồi tháng 2, Chính phủ yêu cầu tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng tự do. Trong quá trình Ngân hàng Nhà nước soạn thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đã có ý kiến đề xuất cấm người dân mua vàng miếng.
Sự chưa rõ ràng về chính sách thời gian này khiến nhà đầu tư hờ hững với vàng miếng, góp phần kìm giá trong nước luôn ở mức thấp hơn thế giới, nhưng lại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu.
Chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu nữ trang là những sản phẩm có hàm lượng vàng cao. Trước đây, khi thuế xuất khẩu bằng 0%, các doanh nghiệp thường xuất loại hàm lượng trên 99%. Nhưng nay, thuế xuất khẩu với loại trên 99% là 10%, các doanh nghiệp chủ yếu xuất loại hàm lượng nhỏ hơn 99% một chút. |
Vị Tổng giám đốc doanh nghiệp vàng thừa nhận, xuất khẩu từ tháng 4, đặc biệt là giữa tháng 5 trở lại đây bắt đầu có lãi. Tuy nhiên biên lợi nhuận hiện nay thua xa cùng kỳ năm ngoái. Nữ trang xuất khẩu những tháng đầu năm nay chủ yếu có hàm lượng dưới 99% và không chịu thuế, nhưng mức lãi trên mỗi tấn chỉ đạt 50-60 triệu đồng. Từ năm ngoái trở về trước, các doanh nghiệp chủ yếu xuất nữ trang hàm lượng trên 99% và lúc lãi nhất phải đạt tới 600 triệu đồng mỗi tấn.
Từ 1/1 năm nay, các sản phẩm kim hoàn, kỹ nghệ có hàm lượng vàng trên 99% đều bị đánh thuế xuất khẩu 10% thay vì mức 0% như trước.
Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý và các sản phẩm của Việt Nam đạt 2,855 tỷ USD theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Đa phần trong số này đều là nữ trang chất lượng cao và chủ yếu xuất sang Thụy Sĩ.
Số liệu của Hải quan Thụy Sĩ cho thấy, riêng năm ngoái, Việt Nam đã xuất gần 61 tấn kim loại quý vào Thụy Sĩ, hầu hết dưới dạng sản phẩm làm từ vàng, đạt kim ngạch 2,6 tỷ franc (tương đương 2,8 tỷ USD). Lượng xuất của Việt Nam vào Thụy Sĩ năm 2009 là 54 tấn, đạt 1,9 tỷ franc. Tuy là trang sức, nhưng các đối tác Thụy Sĩ mua vàng của doanh nghiệp Việt Nam vẫn tính theo giá vàng miếng, vì thế các chuyên gia Thụy Sĩ đặt giả thuyết trang sức được nhập từ Việt Nam để nấu lại thành vàng nguyên chất.
Hoạt động xuất khẩu vàng miếng của Việt Nam hiện vẫn bị quản lý ngặt nghèo, doanh nghiệp chỉ được cấp quota theo đợt, với số lượng nhỏ. Sau đợt cấp quota nới tay trong những tháng đầu năm 2009, giúp hoạt động ngoại thương nói chung của Việt Nam bất ngờ nghiêng về thế xuất siêu, đến nay hầu như Ngân hàng Nhà nước không cấp quota xuất khẩu vàng miếng.
Các chuyên gia lo ngại tình trạng số liệu xuất khẩu "đẹp" hơn nhờ vàng có thể tái diễn. Kim ngạch xuất khẩu của cả nước tháng 6 ước đạt 7,8 tỷ USD, tăng 567 triệu USD so với tháng trước. Mức tăng này thấp hơn kim ngạch xuất khẩu của riêng nhóm kim loại quý, đá quý trong tháng.
5 tháng đầu năm, nhập siêu vẫn chiếm gần 19% kim ngạch xuất khẩu. Riêng tháng 5 và tháng 4, tỷ lệ này lần lượt là 19,6% và 22,6%. Nhưng tháng 6, nhập siêu chỉ chiếm vỏn vẹn 5% kim ngạch xuất khẩu, giúp đưa tỷ lệ của cả 6 tháng đầu năm xuống 15,7%. Chỉ tiêu Quốc hội giao cho cả năm nay, tỷ lệ nhập siêu chỉ được phép không quá 18%. Gần đây, Chính phủ đặt mục tiêu đưa tỷ lệ này xuống dưới 16% vào cuối năm.
Song Linh