Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam hôm qua (22/6) gửi văn bản tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước góp ý cho dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó lo ngại về những rào cản với sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các doanh nghiệp coi sản xuất gia công trang sức mỹ nghệ là hoạt động có ích cho kinh tế, tạo công ăn việc làm, phát triển làng nghề kim hoàn, chứ không tác động tiêu cực tới chính sách tiền tệ để phải có chính sách hạn chế, kiểm soát ngặt nghèo.
Các doanh nghiệp chủ yếu băn khoăn về các quy định liên quan tới trang sức, mỹ nghệ trong dự thảo nghị định mới, chứ không lo lắng về vàng miếng như trước. Ảnh: Hoàng Hà |
Theo dự thảo nghị định, sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân muốn tham gia phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định. Hiệp hội cho rằng nếu theo tinh thần dự thảo này, một sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ phải có 5 giấy phép hoặc chứng nhận gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, gia công; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; giấy phép xuất khẩu sản phẩm và giấy phép nhập khẩu nguyên liệu.
"Như vậy là chưa quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và loại bỏ giấy phép con không cần thiết", văn bản của Hiệp hội nhấn mạnh.
Hiệp hội đề xuất tách riêng quy định sản xuất với gia công vàng trang sức, theo hướng nới lỏng hơn cho gia công, để khuyến khích các hộ gia đình tham gia gia công cho doanh nghiệp. Hiện nay cả nước có hàng chục nghìn hộ cá thể, nhất là ở các làng nghề kim hoàn đang gia công vàng trang sức, mỹ nghệ cho các doanh nghiệp mà hoàn toàn không tham gia sản xuất kinh doanh các sản phẩm này.
Với hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, Hiệp hội đề nghị cần yêu cầu thành lập doanh nghiệp theo luật, vì các đối tượng này phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình. Tuy nhiên, Hiệp hội cho rằng không nhất thiết phải yêu cầu các doanh nghiệp xin giấy chứng nhận của Ngân hàng Nhà nước vì vàng trang sức là loại hàng hóa thông thường, không thuộc đối tượng hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp cũng như Pháp lệnh Ngoại hối.
Khoản 1, Điều 13 của dự thảo cũng quy định xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng từ 20K (tương đương hàm lượng 83,3%) trở lên phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Tuy nhiên, Hiệp hội lo ngại quy định này sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi hiện nay, xuất khẩu vàng trang sức có khối lượng trên một ounce và hàm lượng trên 99% đã phải đóng thuế cao tới 10%, khiến chi phí của doanh nghiệp tăng gấp 20 lần trước đây. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị không nên áp dụng quy định như dự thảo hoặc chỉ nên áp dụng với vàng trên 99%.
Dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước hoàn tất và công bố lấy ý kiến hôm 16/6, với các quy định "nhẹ nhàng" hơn so với lo ngại của công chúng. Trước đó, một số ý kiến tư vấn ban soạn thảo nên xóa sổ vàng miếng, chỉ cho phép người dân bán mà không được mua vàng miếng. Nhiều người lo ngại đã chuyển hướng sang mua nữ trang có hàm lượng vàng cao. Dân đầu cơ cũng không còn hào hứng lướt sóng vàng. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sa sút, có đơn vị giảm doanh thu tới hai phần ba so với bình thường.
Dự thảo nghị định khẳng định người dân vẫn được quyền mua bán vàng tại những điểm có giấy phép (thay vì mua bán tự do như hiện nay). Và nhiều khả năng một số doanh nghiệp vẫn có cơ hội sản xuất vàng miếng thương hiệu riêng của mình.
Trong văn bản gửi Thống đốc, Hiệp hội ủng hộ chủ trương tiếp tục duy trì quyền tích trữ và mua bán vàng miếng của người dân cho dù có định hướng thu hẹp sản xuất và kinh doanh loại tài sản này. Tuy nhiên, dự thảo chưa đưa ra yêu cầu cụ thể doanh nghiệp nào được phép sản xuất vàng miếng, sản xuất theo hương hiệu nào, tiêu chuẩn nào cũng như chưa có yêu cầu về các đối tượng được cấp phép mua bán vàng miếng. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị có tiêu chí cụ thể về vốn cũng như doanh thu đóng thuế đối với các đơn vị kinh doanh.
Trước đó, ban soạn thảo từng đưa ra yêu cầu vốn pháp định 100 tỷ đồng và doanh thu 500 tỷ đồng trong hai năm liền trước khi cấp giấy phép. Tuy nhiên, quy định này đã được loại ra khỏi dự thảo cuối cùng và nhiều khả năng sẽ đưa vào một văn bản thấp hơn nghị định Chính phủ để linh hoạt điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn.
Theo kế hoạch, chậm nhất trong tháng 6 Ngân hàng Nhà nước phải trình Chính phủ Nghị định Quản lý hoạt động kinh doanh vàng để duyệt thông qua.
Song Linh