"Các quý ông, có một công ty Mỹ cần lính đặc nhiệm, biệt kích giàu kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ ở Trung Mỹ", tin nhắn điện thoại được gửi tới các cựu binh Colombia có đoạn.
Thù lao tốt, sứ mệnh cao cả, kẻ chiêu mộ nhấn mạnh trong tin nhắn. "Chúng ta sẽ giúp khôi phục một đất nước, cả về an ninh lẫn dân chủ".
Nhưng thay vào đó, ba trong số những người được tuyển mộ đã bị bắn chết và 18 người đang bị bắt giam vì tình nghi liên quan tới âm mưu ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise, người bị giết trong đêm tại tư gia ở thủ đô Port-au-Prince hồi tuần trước.
Đối với những ai muốn tuyển lính đánh thuê thực hiện các nhiệm vụ mạo hiểm, bí mật ở nước ngoài, Colombia là lựa chọn phổ biến. Gần 60 năm nội chiến đã biến đất nước Nam Mỹ này trở thành thao trường tôi luyện các binh sĩ và sau khi xuất ngũ, họ trở thành nguồn nhân lực cho các công ty an ninh tư nhân.
"Việc tuyển mộ binh sĩ Colombia đến những nơi khác trên thế giới làm lính đánh thuê là vấn đề đã tồn tại từ lâu, vì không có luật nào cấm làm vậy", theo tư lệnh lực lượng vũ trang Colombia, tướng Luis Fernando Navarro.
Hầu hết các nghi phạm trong vụ ám sát Tổng thống Haiti Moise ban đầu đều được một nhóm doanh nhân bí ẩn tiếp cận, vài người đến từ Mỹ. Họ thổi phồng thông tin về bản thân, đánh lừa người được tuyển mộ về dự án mà họ đang thực hiện và đưa ra lời hứa trả lương hấp dẫn lên tới hàng nghìn USD.
Báo New York Times đã có cơ hội xem các tin nhắn chiêu mộ và phỏng vấn hơn 10 người cũng được tiếp cận theo cách tương tự để tham gia nhiệm vụ ở Haiti nhưng cuối cùng đã quyết định không lên đường.
Trong các cuộc phỏng vấn, những cựu binh Colombia cho biết bên tuyển mộ nói với họ, cả trực tiếp lẫn thông qua tin nhắn trên ứng dụng WhatsApp, rằng họ sẽ chiến đấu với băng đảng, giúp cải thiện an ninh, bảo vệ các chức sắc, yếu nhân, đồng thời giúp xây dựng lại một quốc gia lâu đời.
Phía những người chiêu mộ còn tuyên bố một công ty an ninh quan trọng có mối liên hệ với các quỹ của chính phủ Mỹ sẽ "chống lưng" cho họ.
Nhưng CTU, công ty đã tuyển mộ các cựu binh Colombia và có logo cùng tên được in trên áo phông của những người này, thực chất chỉ có trụ sở tại một nhà kho nhỏ ở Miami, do Antonio Intriago, công dân Mỹ gốc Venezuela có tiền sử nợ nần, bị trục xuất và phá sản, điều hành.
Giới chức Colombia cho hay cuộc điều tra của họ đang tập trung vào Germán Alejandro Rivera García, một đại úy quân đội nghỉ hưu, có cấp bậc cao thứ hai trong nhóm nghi phạm, vì cho rằng anh ta đóng vai trò là đầu mối liên lạc chính với bên tuyển mộ.
Truyền thông Colombia dẫn lời các quan chức tình báo của đất nước cho biết Rivera là một trong 7 cựu binh đã xông vào tư dinh Tổng thống Moise vào đêm xảy ra vụ ám sát. Các bản tin không đề cập đến vai trò của những người Colombia trong sự việc và liệu họ có biết trước về nhiệm vụ hay không.
Việc tuyển mộ những lính đánh thuê Colombia cho nhiệm vụ dường như bắt đầu với Duberney Capador, một cựu binh từng dành nhiều năm chiến đấu chống phiến quân ở Colombia trên nhiều mặt trận khắc nghiệt. Duberney nhận được cuộc gọi từ một công ty an ninh hồi tháng 4, đề nghị anh tập hợp một nhóm sẽ thực hiện nhiệm vụ "bảo vệ những người quan trọng tại Haiti", Yenny Carolina Capador, em gái Duberney, cho hay.
Tin nhắn văn bản gửi tới các "quý ông" đến từ một số điện thoại thuộc về Duberney. Anh ta sau đó nhanh chóng trở thành nhà tuyển dụng chính cho nhiệm vụ và bắt đầu nhắn tin qua lại trao đổi với các thành viên khác.
Chính phủ Mỹ sẽ trả lương và công việc này sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm khác trên khắp Trung Mỹ, Duberney hứa hẹn với các cựu binh Colombia.
"Tất cả những gì chúng tôi biết là chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ an ninh trong một khu vực đặc quyền dưới sự chỉ huy của Capador", một người được chiêu mộ muốn giấu tên vì lý do an toàn tiết lộ. "Chúng tôi không quan tâm đến thời gian, địa điểm hay tên người mà chúng tôi sẽ bảo vệ. Đối với loại công việc như thế này, không bao giờ có bất kỳ chi tiết nào".
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)