"Người đó nói với chồng tôi rằng anh ấy sẽ không gặp rắc rối và đây là cơ hội tốt để tăng chuyên môn, kiếm thêm thu nhập. Người đó biết chồng tôi chuyên nghiệp như thế nào và muốn anh ấy tham gia nhóm", Giovanna Romero, vợ của Mauricio Javier Romero, kể lại.
Một tháng sau, người đàn ông 45 tuổi này mất mạng. Cựu binh sĩ Colombia với 20 năm kinh nghiệm này là một trong ba nghi phạm bị tiêu diệt sau vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise tuần trước, nằm trong nhóm lính đánh thuê chủ yếu là người Colombia cùng hai người Mỹ gốc Haiti. Một bác sĩ Mỹ cũng bị bắt vì tình nghi liên quan đến kế hoạch.
Tuy nhiên, trong khi Thủ tướng lâm thời Haiti Claude Joseph và nội các của ông tuyên bố "nhóm lính đánh thuê" Colombia là tâm điểm của âm mưu được tổ chức bài bản nhằm ám sát Tổng thống Moise tại dinh thự ở thủ đô Port-au-Prince, nhiều câu hỏi quan trọng về các tay súng này vẫn chưa được giải đáp.
Công tố viên hàng đầu Haiti đang điều tra vai trò của lực lượng an ninh nước này, khi không ai khác trong dinh thự bị bắn, kể cả nhóm vệ sĩ của Moise, chỉ có Tổng thống thiệt mạng và Đệ nhất phu nhân bị thương. Trên đường phố Haiti, nhiều người dân cũng tự hỏi bằng cách nào nhóm lính đánh thuê đã vượt qua được lớp bảo vệ kiên cố ở dinh thự của Moise một cách thuận lợi.
Tại Colombia, một số thành viên trong gia đình các cựu binh bị tình nghi cho biết những người đàn ông này đến Haiti để bảo vệ Moise, thay vì giết ông. Câu chuyện từ phía họ làm tăng thêm khúc mắc xung quanh vụ ám sát và khiến sự việc trở nên bí ẩn hơn, với những tuyên bố mâu thuẫn nhau.
"Mauricio sẽ không bao giờ đăng ký làm một nhiệm vụ như vậy, dù có được trả bao nhiêu tiền", cô Romero nói về chồng mình.
Colombia, quốc gia phải trải qua nhiều thập kỷ nội chiến, sở hữu một trong những quân đội được huấn luyện và đầu tư tốt nhất Mỹ Latinh, với sự hỗ trợ từ lâu của Mỹ. Vì vậy, các cựu quân nhân nước này thường được các công ty an ninh tư nhân toàn cầu săn đón, đưa họ đến làm việc ở Yemen hay Iraq, đôi khi với mức lương lên tới 3.000 USD/tháng.
Romero nhập ngũ từ khi mới ngoài 20 tuổi, chiến đấu với nhiều nhóm nổi dậy và được phong danh hiệu "biệt kích" ưu tú. Khi rời quân đội Colombia vào năm 2019, anh là trung sĩ đầu tiên từng làm nhiệm vụ khắp đất nước. Cô Romero mô tả chồng mình là người cực kỳ tuân thủ nguyên tắc.
"Anh ấy thường nói rằng nếu làm những điều đúng đắn, cuộc sống sẽ tốt đẹp", người phụ nữ 43 tuổi cho biết, nói thêm rằng Romero đang thích nghi với cuộc sống của một thường dân, đôi khi bày tỏ nỗi nhớ bạn bè và cảm giác sống có lý tưởng như thời quân ngũ.
Cuộc gọi mà Romero nhận được tháng trước đến từ Duberney Capador, người bạn 40 tuổi cũng là cựu binh được huấn luyện đặc biệt. Capador rời quân đội Colombia cùng năm với Romero và đang sống cùng mẹ trong một trang trại của gia đình ở phía tây đất nước.
Yenny Carolina Capador, em gái của cựu quân nhân này, cho biết anh mình rời trang trại và đến Haiti hồi tháng 5, sau khi nhận được đề nghị tuyển mộ từ một công ty an ninh tư nhân. Hai anh em thường xuyên nói chuyện. Capador từng kể cho em gái rằng nhóm của anh đang tập huấn và được giao nhiệm vụ bảo vệ một người "rất quan trọng".
"Điều tôi chắc chắn 100% là anh trai tôi không làm điều mà họ đang bị cáo buộc, rằng anh ấy tấn công ai đó. Tôi biết anh trai mình lên đường để bảo vệ một ai đó", người phụ nữ 37 tuổi quả quyết.
Capador từng gửi cho em gái những bức ảnh chụp bản thân mặc đồng phục in logo của công ty an ninh CTU tại bang Florida, Mỹ, do người đàn ông có tên Antonio Intriago điều hành. Intriago không phản hồi yêu cầu bình luận và văn phòng của CTU cũng đóng cửa khi phóng viên đến hôm 10/7.
Cô Romero cho biết hai vợ chồng đã bàn bạc về lời mời làm việc cùng của Capador. Họ tin rằng đây là một cơ hội tốt để giải quyết vấn đề tài chính, trong lúc hai vợ chồng có một khoản vay đến hạn phải trả và cần tiền nuôi hai con. Lương hưu của Romero chỉ đủ để trang trải những khoản cơ bản.
Romero hôm 5/6 đến sân bay tại thủ đô Bogota của Colombia, nơi anh nhận vé máy bay và lên đường đến Cộng hòa Dominica, nước láng giềng của Haiti. Vợ cựu binh này cho biết lần cuối hai người nói chuyện với nhau là ngày 6/7, khi Romero nói rằng anh đang bảo vệ "ông chủ" và kết nối di động bị hạn chế.
"Anh ổn, anh yêu em rất nhiều, nói chuyện sau nhé", Romero nói với vợ một cách gấp gáp, nhưng cô không cảm thấy lo lắng.
Hôm sau, cô Romero nghe tin Tổng thống Haiti qua đời và có thể liên quan đến một nhóm người Colombia. Đầu óc cô bắt đầu quay cuồng khi không thể liên lạc với chồng. Đến ngày 9/7, Bộ Quốc phòng Colombia công bố danh tính 13 nghi phạm người nước này trong vụ ám sát, bao gồm Romero, nói thêm rằng họ đang điều tra 4 doanh nghiệp được cho là đã tuyển nhóm cựu binh làm việc ở Haiti.
Theo thông tin từ giới chức Haiti, "những người nước ngoài" nói tiếng Tây Ban Nha đã xông vào dinh thự của Tổng thống Moise ở ngoại ô thủ đô Port-au-Prince vào khoảng 1h sáng 7/7, bắn chết ông và làm bị thương Đệ nhất phu nhân Martine Moise.
Em gái của Capador cho biết vào cùng sáng hôm đó, anh trai cô đã gọi điện và nhắn tin để thông báo rằng mình đang gặp nguy hiểm, ẩn náu tại một địa điểm, trong khi đạn bay xung quanh. Theo lời kể từ người phụ nữ này, Capador nói với cô rằng anh "đã đến quá muộn để cứu người quan trọng" mà anh được thuê để bảo vệ.
Bình luận viên Julie Turkewitz và Simon Romero của NY Times chỉ ra rằng trên thực tế, giới chức Haiti đưa ra rất ít bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa nhóm nghi phạm với vụ ám sát.
Thẩm phán Haiti Clement Noel, người tham gia điều tra sự việc, cho biết hai nghi phạm Mỹ khai rằng họ chỉ làm phiên dịch viên và gặp những người còn lại tại một khách sạn cao cấp ở ngoại ô Port-au-Prince để lên kế hoạch. Họ cho hay mục tiêu không phải là ám sát Moise, mà là đưa ông đến Cung điện Quốc gia, nơi làm việc chính thức của Tổng thống.
Vài ngày sau vụ ám sát, cựu thượng nghị sĩ Haiti Steven Benoit, chính trị gia đối lập nổi tiếng, trở thành một trong những người bày tỏ hoài nghi về cáo buộc nhóm cựu binh Colombia tiến hành vụ ám sát Moise.
"Đơn giản là câu chuyện đó không hợp lý. Tại sao không có nhân viên an ninh nào ở dinh thự Tổng thống bị bắn, thậm chí không có một vết xước xát?", Benoit đặt câu hỏi, thắc mắc thêm rằng tại sao nhóm lính đánh thuê không ngay lập tức rời khỏi Haiti sau vụ ám sát. Thay vào đó, họ bị mắc kẹt, bị giết hoặc bắt giam.
"Tổng thống bị chính vệ sĩ của mình ám sát, không phải nhóm người Colombia", Benoit nêu giả thuyết. Tờ El Tiempo của Colombia còn dẫn một nguồn tin tiết lộ camera an ninh từ dinh thự Tổng thống Haiti cho thấy nhóm lính đánh thuê đột nhập vào tòa nhà này từ khoảng 2h30-2h40 sáng 7/7, thay vì 1h như thông tin từ cảnh sát.
Hôm 10/7, cô Romero nói với con trai 6 tuổi rằng "bố sẽ không trở về". Người phụ nữ này kêu gọi các nhà điều tra tìm ra sự thật, để các gia đình những người liên quan "có thể tìm thấy một chút bình yên".
Ánh Ngọc (Theo NY Times)