Trong những ngày sau kỳ nghỉ tết Kỷ Hợi 2019 vừa qua, người dân các tỉnh miền Tây gặp phải cảnh kẹt xe kinh hoàng khi trở lại TP HCM làm việc. Kẹt xe xảy ra trên quốc lộ 1A huyết mạch, và các đường nhánh quốc lộ khác như N1, N2, quốc lộ 50 đi xuyên các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguyên nhân thì ai cũng rõ. Đây là ngày cao cao điểm, mật độ người và xe rất đông. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là do TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai là nơi tập trung các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp nên tạo ra nhiều công ăn việc làm. Buộc lòng mọi người phải chấp nhận cảnh xa quê, xa ruộng đồng để tha phương mưu sinh.
Hành trang trên chuyến về thăm quê cũng chẳng có gì nhiều ngoài những hộp quà mà công ty trao tặng với tiền thưởng tết ít ỏi cuối năm. Cuộc sống những gia đình công nhân cũng rất vất vả. Biết bao khoản chi tiêu cho gia đình nhỏ của mình.
Sự tập trung quá đông người lao động lên thành phố cũng gây ra áp lực về hạ tầng như kẹt xe, an ninh trật tự, chỗ ở, môi trường, bụi bặm, rác, về trường học giáo dục, bệnh viện.
Nhiều ý kiến cho rằng nên mở rộng quốc lộ 1A, mở thêm đường N3, N4...Xây thêm nhiều cầu tránh kẹt xe, xây thêm trường học, bệnh viện để giải quyết tổng thể vấn đề trên. Nhưng theo tôi, số tiền bỏ ra thật khủng khiếp và không ngân sách nào chịu nổi.
>> Kẹt xe miền Tây, lỗi không phải do đường sá
Và đó chỉ là giải pháp để giải quyết cảnh kẹt xe sau mỗi kỳ nghỉ hiện tại, chứ không giải quyết bài toán nguyên nhân sâu xa.
Nếu ngân sách bỏ ra số tiền cả vài trăm nghìn tỷ đồng để làm đường quốc lộ mới, mở rộng hay xây thêm cầu thì chỉ giải quyết lưu thông thời gian ngắn. Còn áp lực hạ tầng lên thành phố vẫn như cũ. Từng ấy con người vẫn ngày càng tập trung nhiều hơn trong đô thị chật chội.
Theo ý kiến cá nhân tôi, nên lấy mấy trăm nghìn tỷ đồng đó để cho nông dân vay sản xuất nông nghiệp. Hoặc có thể dùng hỗ trợ vốn thành lập các công ty xí nghiệp, các hợp tác xã chế biến nông sản. Từ đó, hình thành nền kinh tế sản xuất và đời sống bền vững hơn.
Việc chế biến nông sản này thành các sản phẩm tiêu dùng (hủ tíu khô, bánh gạo, bánh tráng, chuối sấy, nước ép trái cây...) sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn nhiều lần so với xuất khẩu thô nông sản như lúa gạo, trái cây.
Lấy một phép tính tượng trưng: 100.000 tỷ đồng nếu mở các công ty nhỏ hay tổ sản xuất, hợp tác xã sản xuất với số vốn là 10 tỷ đồng thì sẽ có 10.000 doanh nghiệp. Các công ty sẽ chế biến các nông sản địa phương: khô cá mắm, bột gạo, nông sản sấy khô, thức ăn gia súc.
Với một doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho 10 công nhân thì có thể nói sẽ giải quyết việc làm cho 100.000 người lao động tại địa phương. Khi đó nhà nước sẽ có thêm số tiền nộp thuế từ các doanh nghiệp đóng góp, và xã hội sẽ giảm biết bao chi phí như tiền xăng dầu, chỗ ở, học hành, chi phí kẹt xe, ô nhiễm môi trường.
Gốc rễ của vấn đề là việc làm và thu nhập cho người dân. Tôi nghĩ nếu có công ăn việc làm thu nhập ổn định (tuy không bằng thành phố) thì công nhân sẽ chọn việc ở lại sống và làm việc tại quê nhà.
Trên đây là ý kiến riêng của tôi, rất mong mọi người cùng góp thêm ý kiến để diễn đàn trao đổi càng thú vị hơn, góp phần đóng góp vào chính sách phát triển kinh tế của đất nước.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt