Mấy tháng trước miền Tây đói lũ, các nhà nghiên cứu đi đo mực nước rồi than ngắn thở dài. Sau đó thì lũ tràn về sớm và nhiều, nông dân trở tay không kịp. Rồi giờ thì triều cường, cả miền Tây ngập trong nước, các nhà khoa học nêu ra nguyên nhân là miền Tây đang lún xuống chừng 2-3 cm mỗi năm.
Liên tiếp mấy thiên tai xảy ra với miền Tây, toàn là những thiên tai trái ngược nhau, lúc thì do thiếu nước, lúc lại do dư nước. Cái nào cũng có nguyên nhân khoa học, cái nào cũng do nhân tai và thiên tai, và cái nào cũng không có biện pháp giải quyết.
Những bài báo nói về miền Tây dạo này rất nhiều. Tôi thật sự sốc khi nghe nói về miền Tây với mấy từ như là thiên tai, khó khăn, lạc hậu. Tôi rời quê hương đi nước ngoài năm 2001, lúc đó miền Tây là vựa lúa nứơc ta, là mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy sông. Tôi ra sống ở Hà Nội mấy tháng năm 2000, dù là dân tỉnh lẻ nhưng vẫn chi tiêu thong thả với số tiền của người miền Tây, thậm chí là còn thấy giá cả ở Hà Nội tương đối rẻ. Nói tóm lại, miền Tây ngày đó chỉ thua có thành phố, hay ít nhất cũng là trong suy nghĩ của những đứa con no nê trong đồng bằng nặng trĩu phù sa.
Giờ thì có nhiều điều chỉ còn trong ký ức.
![Một người dân lùa vịt ra đồng trên dòng kênh Vĩnh Tế vào buổi sớm. Ảnh: Thành Nguyễn](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/10/22/mua-nuoc-noi-mien-Tay-va-vien-4684-1655-1540170555.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=76DNrb0EgSW7aBBDl39fbQ)
Một người dân lùa vịt ra đồng trên dòng kênh Vĩnh Tế vào buổi sớm. Ảnh: Thành Nguyễn
Cũng những năm cuối năm 90, tôi có đọc được một bài báo nói về vấn nạn khí thải nhà kính, trái đất nóng lên. Bài báo trích dẫn các nhà khoa học hàng đầu thế giới, họ nói rằng đồng bằng sông Cửu Long tới năm 2040 sẽ ngập trong nước biển. Tôi hơi sợ nhưng rồi nhún vai vì cái ngày đó còn xa lắm, hơn nữa chưa chắc đúng, và mình có là cái gì mà lo mấy chuyện to lớn này.
Giờ thì tôi rất sợ. Năm 2040 giờ trông rất gần mà những nguy cơ nói trên đã rõ ràng. Ngập mặn đã xảy ra, đồng bằng giờ chỉ mất đất chứ không còn bồi đắp phù sa. Đã vậy, mấy cái đập thủy điện trên đầu nguồn còn làm vấn đề nghiêm trọng hơn. Các nhà khoa học ngày đó còn chưa tính tới mấy cái đập thủy điện, vốn là "nhân tai", và bây giờ là một thứ quýt làm cam chịu. Miền Tây chính là cái trái cam đó.
Giải pháp thì có nhưng nó không phải là thứ mà người miền Tây có thể làm. Các giải pháp quy mô cũng chỉ có thể giảm bớt, chứ không giải quyết được toàn phần khi mà vấn đề quá lớn. Vấn đề chỉ có thể được bớt đi nếu lượng khí thải nhà kính được giảm bớt rất nhiều.
Hái bông điên điển mùa nước nổi trong đêm
Ông Trump đã rút khỏi cái hiệp ước giảm khí thải vì một cái lý do vu vơ là nó giúp cho công dân Mỹ có việc làm - và mặc kệ người dân ở đồng bằng hay hải đảo ở châu Á.
Đó là một thực tế của thế giới mở. Giờ thế giới phẳng nhưng nó phẳng theo nhiều kiểu khác nhau. Các vấn đề về môi trường là cái sự thẳng oan nghiệt nhất nhưng cũng khó tránh nhất. Sự ích kỷ của từng nước lại ảnh hưởng tới nước khác.
Rồi con người lại đổ lỗi cho nhau và cũng ít ai chịu làm gì để bớt cái nguy hiểm mà mình đang đối mặt. Ở Việt Nam người ta la ầm ầm khi có đề xuất cấm xe máy, dù như vậy là giảm khí thải nhà kính. Rồi người ta cũng vui vẻ xả rác, dù làm như vậy là tắc cống, ngập nước. Ở những nước khác cũng vậy, chỉ là họ làm những cái khác, như là lái xe hơi, dùng cốc nhựa.
Các bài viết về miền Tây đều có kết luận như nhau: Tôi không biết phải làm gì, hay là các cơ quan chức năng phải có giải pháp toàn diện để đối phó với một vấn đề mang tính toàn cầu.
Tôi thì chỉ có thể làm được những gì trong khả năng: giảm dùng các đồ vật không thể tái chế, cố gắng bán ve chai những thứ có thể. Tôi cũng sẽ cố gắng giảm dùng xe hơi, dù thành phố nơi tôi ở gần như không có hệ thống giao thông công cộng. Tôi chỉ mong các bạn cũng làm được một chút như vậy.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây