Đọc bài viết của nhiều chị em phụ nữ về gia đình và cha mẹ mà thấy nản. Người thì than vãn cha mẹ bất công với mình, kẻ than vãn chồng họ vô tích sự. Các chị đã là người trưởng thành, đã làm vợ, làm mẹ rồi mà vẫn có lối suy nghĩ của các cô gái mới lớn là sao nhỉ?
Hay là, cũng như các cậu trai được nuông chiều, các chị tuy lớn tuổi nhưng tư duy lớn không kịp tuổi? Nam nữ bình quyền không phải do đàn ông tạo ra mà do phụ nữ đấu tranh mà có, và cho đến tận ngày nay phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh đó. Thế thì cớ gì phụ nữ Việt không tham gia vào cuộc đấu tranh đó thông qua sinh hoạt hàng ngày?
Ở Việt Nam, phụ nữ kiếm được nhiều tiền là bình thường. Nhìn ra thế giới, trừ các nước phương Tây, chẳng có nơi nào như ở ta đâu dù những nước ấy có nền kinh tế phát triển hơn xa Việt Nam. Tỷ lệ phụ nữ làm CEO, làm chủ ở các công ty ở Việt Nam cũng như làm quan chức chính quyền cũng vượt trội các quốc gia khác. Có thể nói, trừ các nước phương Tây và Bắc Mỹ ra, việc nam nữ bình quyền ở ta là thuộc hạng đứng đầu phần còn lại của thế giới. Thế nhưng các chị em vẫn cứ hay than vãn là sao?
>> 'Vun vén cho con trai để nhờ cậy khi già'
Chúng ta du nhập văn minh phương Tây nhưng chúng ta cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của Nho giáo. Chưa muốn nói, trong các xứ Đông Á, Việt Nam là xứ bị ảnh hưởng Nho giáo vào loại nhiều nhất. Nho giáo có câu "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", nhưng, người thương yêu chiều chuộng con gái nhất thường là người cha. Ngược lại với người mẹ. Cho nên mới có câu "con gái nhờ đức cha, con trai nhờ phước mẹ".Vợ sinh hai con gái, chồng chẳng nói gì. Vợ sinh một con trai, vợ ẵm con đi khoe cả xóm. Người đàn ông hạnh phúc nhất là người mà vợ sinh con "có nếp có tẻ" (một trai một gái).
Nhà tôi gần trường học, tôi để ý thấy, 10 người đưa con gái đi học 9 người là các ông bố. Đút cơm cho các bé gái lớp 1 lớp 2 ăn trước khi vào học cũng vẫn là các ông bố. Khen con gái xinh đẹp, tiềm năng lớn lên trở thành mỹ nữ chân dài, các ông bố nở nang từng khúc ruột. Bởi vậy mới có câu "ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng".
Cha vợ tôi là một người đàn ông tuyệt đối gia trưởng. Ông nghiêm khắc dạy dỗ con gái, mọi việc nhất nhất phải theo ý ông còn con trai ông khoán trắng cho vợ, tức là mẹ vợ tôi. Con gái đầu lòng (là bà xã tôi) học cao, làm sếp. Con gái thứ hai đang học lớp quản lý dự án, chuẩn bị làm sếp. Con trai đầu thì ỷ lại dựa dẫm mẹ, mâu thuẫn vợ chồng, mẹ chồng lại bênh con trai, nản. Con trai thứ hai năng nổ tháo vát thành đạt nhưng đội vợ lên đầu, vợ la một tiếng là mần thinh, chắc quen sợ mẹ nên theo quán tính sợ luôn cả vợ.
Nói nhiều như vậy để làm gì? Để nói rằng, chỉ có phụ nữ mới làm khổ phụ nữ. Mẹ cũng là phụ nữ và mẹ dạy ra con trai mẹ như vậy. Con trai mẹ như vậy lại làm khổ con dâu như vậy. Khi các chị chuẩn bị làm dâu, các chị đã tìm hiểu tính cách của mẹ chồng chưa? Chồng các chị như nào hoàn toàn là tấm gương phản ánh từ mẹ chồng đấy.
Riêng tôi trước khi lấy vợ, tôi tìm hiểu rất kỹ cha vợ tương lai. Chỉ cần ổng gật đầu, 99% khả năng hôn nhân thành công. Sau hôn nhân, xảy ra sự cố gì với vợ, tôi lại tìm cha vợ, "báo cáo" với ổng, êm hết. Chỉ cần tôi coi ổng là "sếp" (ổng chỉ là người bình thường không có địa vị xã hội cũng không thành đạt). Lễ lạt Tết nhất thường xuyên tháp tùng ổng đi đây đi đó, vợ tôi sẽ tuyệt đối "ngoan hiền dễ bảo" dù cô ấy học cao và kiếm được nhiều tiền hơn tôi.
>> Nếu quay lại thời xưa, tôi nghĩ mình sẽ 'trọng nam khinh nữ'
Chỉ cần vượt qua được 10 năm sau hôn nhân, giai đoạn xảy ra mâu thuẫn nhiều nhất vì thói quen xấu của từng người dần bộc lộ ra, quãng đời phía sau sẽ là "sóng êm bể lặng" vì vợ chồng đã hiểu nhau và biết cách làm thế nào "sống chung với lũ" (chịu đựng những thói quen xấu của nhau).
Sẽ có người phản đối hai chữ "chịu đựng". Xin lỗi, chịu đựng ở đây không phải là nhịn cho qua (trong thời gian ngắn) mà là làm quen với nó dần dần tiến tới sửa đổi nó hoặc chấp nhận nó ở mức độ nào đó. Chỉ có như vậy mới có thể sống chung lâu dài với nhau được.
Nói thật, những người có ý kiến cực đoan thường là người còn độc thân và không hiểu gì về cuộc sống sau hôn nhân, chỉ nghe biết những mặt trái của hôn nhân trong lúc trà dư tửu hậu.
Trong nhà vợ chồng khen nịnh nhau làm gương cho con cái, ra đường vợ chồng nói xấu nhau với người ngoài để tránh sự ganh tỵ xoi mói. Người còn độc thân nghe xong "cứ tưởng là thật" mà không nhận ra vợ chồng người ta đã sống với nhau mấy chục năm, nếu hôn nhân xấu như vậy sao họ sống với nhau lâu đến thế mà không sớm ly dị đi.
>> Nhiều người Việt muốn sinh con trai vì sợ con gái khổ
Tóm lại, phụ nữ tốt thường do có người cha tốt. Tương tự, đàn ông tốt nhờ có mẹ tốt. Phụ nữ tốt tìm chồng thường lấy theo tiêu chuẩn của cha mình, đàn ông tốt tìm vợ cũng theo tiêu chuẩn của mẹ mình. Nếu xảy ra mâu thuẫn vợ chồng, cha vợ bênh con rể (cũng là gián tiếp bảo vệ con gái), mẹ chồng bênh con dâu.
Tỷ lệ ly dị cao là do người ta chỉ tìm hiểu nhau một cách sơ sài. Nhiều cặp, trước đám cưới mấy ngày, cô dâu chú rể mới làm quen với gia đình bên kia. Đã không cần ý kiến của cha mẹ (là người có kinh nghiệm sống nhiều, tiếp xúc với đủ loại hạng người trong mấy chục năm cuộc đời) thì tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình, còn kêu ca than vãn gì nữa.
Ý kiến của cha mẹ tuy chỉ để tham khảo nhưng tuyệt đối hữu ích vì cha mẹ chẳng việc gì phải xã giao giả dối với con cái. Đã chọn cách sống tự lập kiểu Tây thì cứ như thế đi.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.