Sau khi đọc xong bài viết Coi thường con gái thì các anh lấy vợ làm gì, tôi cho rằng tư tưởng "trọng nam khinh nữ" đều có lý do của nó.
Từ xa xưa, cuộc sống vốn chỉ nương tựa vào nông nghiệp, mà bản chất của công việc này là nặng nhọc, đòi hỏi thể lực khỏe, dẻo dai, chỉ có phái nam mới có thể đáp ứng được.
Phái mạnh cần phải đảm đương sự nghiệp của dòng họ, còn phụ nữ vẫn có thể làm nông nghiệp nhưng năng suất không cao do vấn đề thể lực.
Văn hóa nông nghiệp đã kéo dài hàng nghìn năm, khi mà cuộc sống của người dân luôn "đầu tắt mặt tối" với đồng ruộng thì hẳn ai cũng mong muốn sinh được một đứa con trai để có thể tiếp tục phụ giúp gia đình, đảm đương những trọng trách như vậy.
Ngoài ra, chiến tranh cũng làm cho giá trị người đàn ông được nâng cao. Trong các cuộc chinh chiến, cầm binh thao lược, đàn ông cũng là người xông pha. Nếu tiêu cực thì mở mang bờ cõi, cướp bóc, tích cực thì là chiến đấu bảo vệ đất nước.
Những điều này phụ nữ cũng làm được nhưng lại bị giới hạn vì thể lực yếu, bản thân tâm lý phái yếu cũng sợ những vấn đề bạo lực. Mà mọi người đều biết, những điều trên đã kéo dài hàng nghìn năm, dần dần các gia đình chỉ mong mỏi một cậu con trai để phụ giúp họ làm những việc lớn, nặng nhọc mà vốn dĩ con gái khó làm được.
Việc trọng nam khinh nữ bắt nguồn từ lịch sử, khi mà sức người được coi trọng, chẳng thế mà ông bà ta có câu "lấy công làm lời", thời nghèo khó thì sức lực là điều rất được quý trọng.
Nếu tôi quay lại mấy ngàn năm trước, cái thời "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" thì tôi nghĩ mình cũng sẽ mang tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Và đã nhiều năm trôi qua, tư tưởng ấy đã ăn sâu vào máu của người Á Đông, không cần ai bảo ai, không cần biết nguyên nhân, hậu quả, chúng ta chỉ mong có được đứa con trai làm cháu đích tôn.
Nhưng nhìn vào hiện tại, thời đại tri thức lên ngôi, sức người dần được thay thế bằng sức máy thì các gia đình cũng không còn đau đáu về việc phải mong có con có cái để nối nghiệp nông. Ai cũng đầu tư cho con để được học cao, làm lớn, làm các công việc ít chân tay nên người ta cũng dần vơi đi quan niệm cổ hủ kia.
Điển hình là châu Âu, khi tri thức ngày càng được xem trọng thì bản thân họ cảm thấy việc sinh con trai là không cần thiết nữa (nhưng thời phong kiến thì vẫn rất quan trọng).
Còn ở Á Đông chúng ta thì nhiều người vẫn còn mang tư tưởng ấy vì xung quanh ai cũng có suy nghĩ đó. Họ sợ bị chê cười, bị soi mói là đi ngược lại truyền thống, nên vẫn còn muốn có con trai.
Với tôi, việc có con trai hay không không thật quan trọng, bản thân tôi còn thích có hai cô con gái hơn, quan trọng là chúng sống khỏe và hiếu thảo là được.
>> Xem thêm: Bao giờ đàn bà hết khổ?
Người phụ nữ phá thai 18 lần để sinh con trai gây sốc cộng đồng Để được như ý nguyện có con trai của nhà chồng, một người phụ nữ ở Hải Dương đã phải cố gắng đến tuyệt vọng. |
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.