Gần đây, xung quanh câu chuyện lương giáo viên, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, hay đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, tôi thấy nhiều người đang có cái nhìn sai lệch về nghề giáo. Bản thân tôi cũng là một giáo viên nên tôi hiểu có những góc khuất phía sau công việc của mình mà không phải ai cũng biết và cảm thông được.
Tại sao khi nói đến vấn nạn dạy thêm, học thêm thì người ta cứ lôi giáo viên ra đổ lỗi, trách cứ? Thử hỏi, nếu 100% phụ huynh không cho con đi học thêm thì giáo viên, nhà trường và các trung tâm dạy thêm kiểu gì? Đằng này, học thêm lại là một nhu cầu rất lớn từ phía phụ huynh và học sinh, thế nên dù giáo viên chính khoá trên lớp không mở lớp dạy thì người ta cũng tìm đến các lớp ngoài của những giáo viên khác. Quan trọng là thầy cô đó có đủ uy tín với phụ huynh, học sinh hay không mà thôi?
Hiểu một cách đơn giản, phụ huynh ở nhà dạy con, có một, hai đứa mà còn không dạy nổi. Trong khi đó, giáo viên dạy một lớp sĩ số trung bình từ 40-50 học sinh thì việc có em học tốt và em học chưa tốt cũng là điều bình thường thôi. Không thể nói tại giáo việc dạy không có tâm, cố tình giấu kiến thức để bắt học sinh đi học thêm được. Sao các bạn không nhìn lại chương trình sách giáo khoa hiện nay đã giảm tải đủ chưa hay lượng kiến thức vẫn quá nhiều so với thời lượng tiết học trên lớp?
Thêm nữa, đâu phải giáo viên nào cũng thích là mở lớp dạy thêm. Với các môn như Toán, Lý, Hóa, Văn, Tiếng Anh thì học sinh còn đua nhau học thêm, chứ các môn như Công nghệ, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa Lý... thì thử hỏi có học sinh nào muốn đi học thêm? Tôi cũng là giáo viên, cũng từng dạy thêm môn Toán cho học sinh, dù bản thân không phải giáo viên dạy chính môn Toán, chỉ là người được phụ huynh tin tưởng nhờ vả thôi. Vậy thì có gì sai?
>> Tôi chạnh lòng vì làm giáo viên 21 năm lương không bằng công nhân trẻ
Nhiều người cứ nghĩ công việc của một giáo viên rất nhẹ nhàng, không áp lực, tiền lương tính theo số giờ học lại cao. Nhưng họ không biết rằng, giáo viên không chỉ dạy theo tiết học trên lớp. Ngoài tiết dạy, nhà giáo còn nhiều công việc không tên khác.
Chưa kể, nếu là một giáo viên có tâm với nghề thì bản thân mỗi người còn phải tìm đủ mọi phương pháp giảng dạy mới, nên gần như không dùng lại giáo án cũ. Mỗi năm, họ lại điều chỉnh giáo án một lần, bổ sung thêm những thứ mới. Soạn giáo án là công việc không hề đơn giản, thời gian soạn một tiết giáo án còn lâu hơn thời gian thực dạy trên lớp. Nghĩa là, giáo viên lên lớp một tiết thì ở nhà ít nhất họ cũng mất thêm một tiết soạn bài. Thế nên, thời gian làm việc của một giáo viên không thể nói là ít được.
Còn về việc nhiều bạn lấy lý do đầu vào Sư phạm thấp rồi đánh giá chất lượng giáo viên ngày nay không đảm bảo, tôi cũng hoàn toàn phản đối. Điều đó chỉ phần nào đúng với khoảng 5 năm trước thôi, chứ mấy năm nay điểm đầu vào Sư phạm rất cao, không thua bất kỳ ngành nào khác, kể cả Y dược hay Công nghệ thông tin. Không phải cứ điểm đầu vào đại học thấp thì nghiệp vụ và trình độ chuyên môn kém. Nhiều người ra trường loại giỏi cũng chưa chắc đã dạy giỏi đấy thôi.
Ngoài ra, hiện nay, giáo viên cũng phải chịu áp lực cực rất lớn từ học sinh và phụ huynh. Bất kỳ một vấn đề gì liên quan đến nhà giáo cũng đều bị cộng đồng soi xét, lên án mạnh mẽ. Chỉ một thoáng không cẩn trọng, giáo viên có thể mất cả sự nghiệp. Thế nên, hiện nay, nhiều đồng nghiệp của tôi chọn cách "an phận thủ thường", làm vừa phải, dạy vừa phải thay vì quá nhiệt huyết với công việc. Họ chỉ dạy qua loa cho xong chuyện, rồi cuối tháng nhận lương lo cho cuộc sống.
Dó đó, nếu xã hội không có cái nhìn công bằng hơn với nghề giáo viên, e rằng người chịu hậu quả lớn nhất chính là học sinh - thế hệ tương lai của đất nước.
- 'Miễn học phí cho con giáo viên vì đâu phải ai cũng có thể dạy thêm'
- 'Miễn học phí cho con giáo viên'
- Lương giáo viên dưới 10 triệu đồng
- Giáo viên thâm niên 17 năm nhưng lương 4,2 triệu đồng
- 'Tăng lương giáo viên đồng thời cấm dạy thêm'
- Giáo viên trường tư quá tải