"Giáo viên cũng là người có nghề nghiệp và thu nhập ổn định, thậm chí ở mức cao so với công nhân và lao động phổ thông. Họ cũng dễ có điều kiện đưa đón con học tại trường mình đang dạy hơn những người khác. Nếu miễn học phí cho con giáo viên thì sao không nhìn vào những gia đình có thu nhập thấp hơn như: công nhân, lao động phổ thông, người buôn bán nhỏ, nông dân... để miễn hoặc giảm học phí cho con em họ?
Ví dụ như tôi 46 tuổi, vợ 42 tuổi. Hai vợ chồng tôi làm một tháng thu nhập chưa tới 10 triệu đồng. Con số này còn không bằng thu nhập của một giáo viên có tuổi đời tương đương. Thế nhưng, chúng tôi vẫn phải đóng học phí, bảo hiểm... đầy đủ cho con, lại phải sắp xếp đưa đón con ngày hai lần đến trường".
Đó là quan điểm của độc giả Quân Mẫn xung quanh "Đề xuất chi 9.200 tỷ đồng miễn học phí cho con giáo viên" mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra trong dự thảo Luật nhà giáo. Nếu đề xuất mới được thông qua, chi phí tăng thêm để chi trả tiền lương cho giáo viên sẽ khoảng hơn 12.800 tỷ đồng một năm.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Cu Bob thắc mắc: "Xin hỏi con giáo viên và con của những người làm các ngành nghề khác có gì khác biệt? Tại sao con giáo viên được miễn học phí còn những ngành khác thì không?".
"Vợ tôi cũng là một giáo viên dạy cấp ba. Nghề giáo viên đúng là nghề cao quý thật, nhưng sao chỉ con của giáo viên mới được hưởng chính sách này, còn những ngành nghề khác (ví dụ như bác sĩ cũng cống hiến cho xã hội rất nhiều, môi trường làm việc còn độc hại) thì lại không được hưởng?", độc giả Tungnt.ap nói thêm.
>> Lương giáo viên dưới 10 triệu đồng
Trong khi đó, với góc nhìn khác, bạn đọc Trieu Dinh lại có nhận định khác: "Đây là một cách thu hút người có năng lực vào nghề giáo. Khi giáo viên giảm được áp lực tài chính, họ sẽ tận tâm và cống hiến hơn cho nền giáo dục nước nhà. Tất nhiên, bản thân giáo viên phải đáp ứng được năng lực nào đó mới được hưởng quyền lợi, chứ không thể so sánh kiểu cào bằng được".
Đề xuất phương án để tránh gây mâu thuẫn giữa các ngành nghề, bạn đọc Ngocson chia sẻ: "Thực tế, chính sách giảm hoặc không thu học phí cho học sinh đã được nhiều nước áp dụng từ rất lâu. Việc thay đổi này đem lại lợi ích tích cực cho nền giáo dục quốc gia. Nhưng thay vì miễn phí toàn bộ cho con giáo viên, sao chúng ta không trích giảm học phí cho toàn bộ học sinh? Như vậy, người dân vừa bớt một phần gánh nặng học hành của con, vừa không gây nên mâu thuẫn gay gắt như hiện tại".
Hiện, cả nước có hơn 1,05 triệu nhà giáo hưởng lương từ ngân sách. Từ 1/7, giáo viên nhận lương từ 4,9 đến gần 15,9 triệu đồng một tháng, tùy cấp học và ngạch bậc. Ngoài ra, họ có thể nhận một hoặc một số khoản phụ cấp: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, giáo viên dạy người khuyết tật, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
- Giáo viên trường tư quá tải
- Giáo viên như tôi không có nghỉ hè
- Tôi bỏ nghề giáo vì phải làm nhiều việc không công
- 'Giáo viên làm sao yêu nghề khi lương 5 triệu đồng'
- Nghịch lý 22 năm làm giáo viên lương chỉ 8 triệu đồng
- Nghịch lý lương giáo viên trẻ cao hơn người có thâm niên