"Tiếng Anh đóng vai trò không nhỏ trong cuộc đời tôi. Năm 2003, khi mới ra trường, tôi đi làm cho một công ty nhà nước, lương chỉ vọn vẹn hơn 2 triệu đồng. Lúc này, công ty cho tôi test thử Toeic, kết quả tôi được khoảng hơn 800 điểm.
Ba năm sau, khoảng 2006, tôi đậu phỏng vấn của một công ty FDI mới gia nhập vào thị trường Việt Nam. Mức lương của tôi đã tăng gấp bốn lần (khoảng hơn 8 triệu đồng) so với ở công ty cũ. Chỉ một năm sau, tôi nhận được lời đề nghị công việc với mức lương 1.000 USD từ một công ty nước ngoài.
Quy đổi qua tỷ giá tiền Việt lúc đó, lương tôi nhận được khoảng hơn 20 triệu đồng, được công ty đóng thuế, bảo hiểm đầy đủ. Năm đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 2 triệu đồng một tháng. Lúc tôi thỏa thuận lương, sếp phỏng vấn, cũng là sếp trực tiếp nói với tôi rằng: "Em cứ chịu khó vào làm, còn có nhiều khoản thưởng khác ngoài lương". Tôi đồng ý đặt bút ký hợp đồng.
Hơn 15 năm lăn lóc ở các công ty nước ngoài, tôi dùng tiếng Anh là chủ yếu. Ngoài vấn đề lương, thưởng, việc được đi đây đó công tác cũng giúp tôi có thêm nhiều trải nghiệm thú vị, khiến tôi thấy thế giới này thật rộng lớn, và bản thân mình năng động hơn hẳn.
Sáu năm trước, tôi phỏng vấn để chuyển ra nước ngoài làm việc. Công ty ở Đức hỗ trợ tôi mang theo cả gia đình qua đó sinh sống. Thế nên, có thể nói, tiếng Anh là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng để bạn có được chỗ đứng và cơ hội việc làm tốt, mức lương cao. Còn nếu không giỏi tiếng Anh, bạn sẽ tự khắc bị đào thải trong môi trường cạnh tranh.
>> 20 năm học giỏi Tiếng Anh nhưng ra nước ngoài vẫn bập bẹ
Còn nói về chuyện dạy và học tiếng Anh ở nước ta bị nhiều người đánh giá thời gian qua, tôi xin lấy ví dụ từ chính trải nghiệm ở nước ngoài của gia đình tôi. Tôi có hai con đang học trường công ở Đức. Lớp các con tôi có khoảng 20 học sinh, ngôn ngữ giao tiếp và giảng dạy chính là tiếng Đức. Các học sinh thực sự giỏi tiếng Anh rất ít (chỉ khoảng vài bạn). Đó chủ yếu là các bé có cha mẹ là người Anh, Mỹ hoặc cha mẹ di cư từ các nước nói tiếng Anh tốt như Ấn Độ, Pakistan. Các học sinh này cơ bản được tiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ nên xem đây như tiếng mẹ đẻ.
Tôi cũng có xem qua giáo trình tiếng Anh và tiếng Pháp (ngôn ngữ thứ ba) của hai bé nhà mình, và thấy rằng với giáo trình này cộng với việc học mỗi tuần chỉ từ hai đến ba tiết tiếng Anh, khiến việc học tiếng Anh của các con chỉ dừng lại ở mức "giao tiếp cơ bản với người nước ngoài". Việc 'giỏi' thực sự tiếng Anh (trình độ master) gần như là không thể. Điều đó cũng tương đương như việc các học sinh Việt đang theo học chương trình ngoại ngữ tích hợp mà thôi.
Do vậy, tôi cho rằng, giỏi tiếng Anh hay không không thể chỉ dựa hoàn toàn vào việc học ở trên lớp. Quan trọng là mỗi người tự trau dồi, học hỏi thêm ở bên ngoài để nâng cao trình độ của mình. Khi ở trong một môi trường được sử dụng tiếng Anh thường xuyên, chắc chắn khả năng ngoại ngữ sẽ được cải thiện đáng kể".
Đó là chia sẻ của độc giả Santa.klause về tầm quan trọng của tiếng Anh sau bài biết "Bốn tuần 'câm điếc' tiếng Anh khiến cuộc đời tôi thay đổi". Tiếng Anh được xem là công cụ giao tiếp toàn cầu, là "chìa khóa" để đến với khối lượng tri thức, kiến thức đồ sộ của nền văn minh thế giới.Vì vậy, hiểu biết và sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo sẽ giúp học sinh tiếp cận kiến thức và thông tin đa dạng từ các nguồn toàn cầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều thế hệ học sinh vật lộn với việc học Tiếng Anh liên tục từ bé, tới ngoài tuổi 40, mà phần lớn không thực sự sử dụng được ngôn ngữ này.
* Tiếng Anh thay đổi bạn như thế nào?
Việt Thành tổng hợp
- Không lo thất nghiệp nếu giỏi tiếng Anh
- Luật sư 15 năm kinh nghiệm vẫn thất nghiệp vì kém tiếng Anh
- Chuyến du lịch nực cười vì hướng dẫn viên 'mù' tiếng Anh
- Sáu năm 'cày ải' vì bị chê cười cách phát âm tiếng Anh
- Trả giá bằng 1.000 giờ học tiếng Anh vì nước đến chân mới nhảy
- Mất cơ hội việc làm vì 'giỏi chuyên môn, kém tiếng Anh'