"Tôi phát hiện bản thân không có khả năng ngoại ngữ vì học tiếng Nhật suốt ba, bốn năm vẫn không vào đầu, học tiếng Trung giao tiếp cũng bảy, tám tháng cũng như như không. Cá nhân tôi suốt chín năm đi học cấp một, cấp hai cũng toàn bị xếp vào dạng 'học sinh cá biệt' môn Tiếng Anh. Nhưng vì hoàn cảnh, tôi bị ép vào thế phải học tiếng Anh bằng mọi giá, do lên cấp ba, bố mẹ 'quăng' tôi tôi vào trường quốc tế. Sau ba, bốn tuần bị 'câm và điếc' Tiếng Anh, cuối cùng tôi vẫn sống sót được.
Sau này, lên đại học và đi làm, tôi bị sếp lớn ở một công ty châu Âu nhắc nhở rằng viết email, văn bản thì không được dùng văn nói 'informal', mà phải viết 'formal' hơn. Sau khi mất hai, ba năm để tự đào tạo mình thành người viết email, văn bản chỉn chu hơn, thì mọi thứ với tôi đã ổn hơn nhiều. Sau đó, tôi cố gắng học cách phát âm giọng bản ngữ chuẩn hơn khi dùng cổ họng, chứ không chỉ dùng lưỡi.
Đến hai, ba năm gần đây, khi làm cho một công ty của Nhật Bản, chính việc viết email quá 'formal', dùng từ ngữ chính quy, viết dài dòng văn tự quá lại khiến tôi bị nhắc nhở. Các sếp Nhật thường không đọc, và yêu cầu tôi viết đơn giản lại. Kể cả văn nói, tôi cũng phải cố gắng dùng từ đơn giản hơn trong các buổi họp tập đoàn. Ví dụ thay vì nói 'It is too optimistic to state...', tôi sẽ nói 'It is too happy to say...'. Và họ hay nghe sai từ khi tôi phát âm từ âm cổ, nên tôi cũng phải chuyển qua âm lưỡi cho họ dễ hiểu.
Sau này, tôi nghĩ thoáng lên, hiểu rằng ngôn ngữ xét cho cùng là công cụ giúp mọi người hiểu nhau, chuẩn mực cũng chỉ tồn tại ở một biên giới, quốc gia nào đó thôi. Nên tôi chọn cách sử dụng ngoại ngữ một cách linh hoạt, tùy đối tượng mà văn phong hay các phát âm cũng thay đổi theo để đạt hiệu quả tốt nhất.
>> 'Ép con phải đạt 8.0 IELTS trong hai năm dù tiếng Anh bập bẹ'
Có nhiều người nói, ở mặt văn bản (email, biên bản) thì hiện nay đã có phần mềm dịch tự động nên không nhất thiết phải giỏi tiếng Anh. Tôi có thể hiểu suy nghĩ đó, và đó là lý do các nhà phát triển phần mềm mới cho ra các công cụ dịch văn bản ngày càng hiện đại và thông minh.
Nhưng vấn đề là khi bạn ngồi trong một buổi họp với các cấp lãnh đạo. Việc bạn ngồi đó, kè kè kế phiên dịch, một số từ chuyên ngành làm khó phiên dịch viên cũng như AI, khiến bạn không nắm được vấn đề, rồi tự nhiên lạc lõng trong chính nơi mình ngồi. Ngược lại, khi cần phát biểu, làm sao bạn dám chắc là phiên dịch nói được đúng nội dung mình muốn truyền tải?
Học ngoại ngữ để 'sống sót' như du lịch, hỏi han thời tiết, đường sá, mua bán... thì đơn giản. Nhưng học ngoại ngữ để làm việc chuyên ngành thì AI chắc trong tầm 10 năm nữa may ra mới có thể thay thế hoàn toàn con người được. Chẳng lẽ bạn chờ đến 10 năm nữa để bắt đầu sự nghiệp sao?
25 năm trước, ba có dặn tôi rằng: 'Thế kỷ 21 thì ngoại ngữ (mà lúc đó Việt Nam chỉ có Tiếng Anh) sẽ là cái áo, và tin học sẽ là cái quần. Con có dám ra đường mà không có quần áo không?'. Đến giờ, tôi mới thấy thấm thía lời của ba. Nếu chỉ loanh quanh ở nhà thì bạn mặc hay không mặc quần áo cũng chẳng quan trọng. Nhưng khi bước ra ngoài, liệu người khác có muốn làm việc hoặc tuyển dụng khi thấy trần như nhộng không? Nếu có, thì rõ ràng đó là những công việc ráo mồ hôi là hết tiền và bạn có thể bị thay thế một cách dễ dàng".
Đó là chia sẻ của độc giả Minh Pham về tầm quan trọng của việc học tiếng Anh sau bài viết "20 năm học giỏi Tiếng Anh nhưng ra nước ngoài vẫn bập bẹ".
* Bạn học Tiếng Anh thế nào và có tự tin khi giao tiếp bằng ngoại ngữ?
- Luật sư 15 năm kinh nghiệm vẫn thất nghiệp vì kém tiếng Anh
- Những sinh viên ngành ngôn ngữ nhưng kém ngoại ngữ vì xét tuyển học bạ
- Chuyến du lịch nực cười vì hướng dẫn viên 'mù' tiếng Anh
- 'Không cần bắt buộc thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh'
- Sáu năm 'cày ải' vì bị chê cười cách phát âm tiếng Anh
- Trả giá bằng 1.000 giờ học tiếng Anh vì nước đến chân mới nhảy