Đọc nhiều bài viết nêu quan điểm về câu chuyện mừng tuổi năm mới, cũng như những phong tục Tết cổ truyền, tôi thấy ai cũng có cả trăm lý do để nói Tết nay không còn vui, ý nghĩa, không háo hức như Tết xưa. Còn cá nhân tôi thấy chỉ một lý do đơn giản là do chúng ta đã lớn, có quá nhiều nỗi lo "cơm áo gạo tiền" cho ba ngày Tết, không còn là đứa trẻ vô lo vô nghĩ, mong đến Tết để được nghỉ học, mua quần áo mới, được đi chơi, ăn ngon, có tiền mừng tuổi... nên thấy Tết không còn vui nữa.
Thực ra, lì xì nhiều hay ít cũng chẳng làm Tết mất vui. Chỉ có người lớn nghĩ ngợi, tính toán quá nhiều mới thấy những bất cập của phong tục này, chứ đâu có đứa con nít nào không thích được mừng tuổi. Tiền lì xì dẫu chỉ vài chục nghìn hay vài trăm nghìn đồng cũng chẳng tạo tiền lệ xấu gì cả, tất cả đều là do quan điểm sống của mỗi người mà ra.
Lúc bé, tôi vẫn mong đến Tết để được nhận lì xì, nếu không có hoặc được ít thì chắc chắn sẽ buồn, nhưng cảm xúc ấy cũng chỉ thoáng qua mà thôi vì con nít có lắm thú vui khác. Chẳng có đứa trẻ nào coi tiền mừng tuổi là nỗi ám ảnh theo suốt cuộc đời sau này cả. Đến khi đã lớn, tôi vẫn là công dân tốt, vẫn đóng góp không nhỏ cho xã hội. Và tôi của ngày hôm nay cũng chẳng được hình thành từ mấy phong bao lì xì ngày Tết. Mỗi chúng ta lớn lên tốt hay không là do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau tác động, đừng đổ cho lì xì.
Nhiều người cứ gay gắt, bắt con không được mở phong bao lì xì trước mặt người khác, không được tỏ thái độ khi số tiền ít hơn mong đợi. Họ không biết rằng con nít rất vô tư, nên khi buồn hay thất vọng, chúng đều thể hiện cảm xúc ra mặt. Thế nên, người lớn khi thấy con trẻ buồn hay vui vì tiền lì xì, có thể khuyên giải, dạy dỗ, để các bé hiểu hơn giá trị của tiền mừng tuổi, chứ tuyệt đối không nên yêu trẻ phải che giấu cảm xúc của mình cho vừa lòng người này, người kia. Nếu con trẻ buồn khi mở phong bao lì xì ít tiền nhưng vẫn tôn trọng người lớn, vẫn nói năng lễ phép thì tôi thấy chẳng có vấn đề gì đáng chê trách cả.
Nhiều khi lì xì lại là một cách để hỗ trợ một phần kinh tế cho người khác nữa. Nhà cháu bên chồng tôi rất nghèo, ba mẹ lại không quan tâm mua đồ mới cho cháu mặc, nên tôi hay lì xì nhiều hơn bình thường một chút và thường đưa sớm trước Tết để bố mẹ mua đồ cho cháu. Điều đó có gì sai hay phá hỏng phong tục đẹp đẽ đầu năm này?
Tôi thường lì xì cho con của anh chị em ruột và bên chồng 500.000 đồng. Họ mừng tuổi lại con tôi nhiều hơn thế. Đơn giản vì điều kiện kinh tế của anh chị tốt hơn nên muốn giúp đỡ tôi. Để có qua có lại, trong cả năm, tôi hay gửi đồ ngon, hoa quả quê cho họ hàng, số tiền lì xì ngày Tết thực ra chẳng đáng là bao nhiêu so với quà cáp qua lại. Nhưng sau tất cả, tôi không muốn vì một phong bao nhỏ mà có vết gợn trong quan hệ hai bên, nên cứ sống và cư xử thoải mái như vậy thay vì nghĩ ngợi, so đo, tính toán.
Cứ nhớ lại lúc nhỏ bạn đã háo hức chờ nhận lì xì như thế nào, thì trẻ con bây giờ cũng vậy. Cháu tôi học lớp 5 nhưng hầu như không xài tiền mừng tuổi, đưa toàn bộ cho mẹ lập sổ tiết kiệm, còn con tôi thì nuôi heo đất. Tiền đó ít hay nhiều rõ ràng chẳng làm con cháu tôi hư hỏng. Quan trọng là khi lớn lên, chúng vẫn trưởng thành, là người tốt, vậy thì mắc gì tước đi niềm vui đó của trẻ con?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.