"Chết rồi, nhà bác cả mừng tuổi con mình những 200 nghìn đồng, trong khi mình mừng con họ có 50 nghìn đồng. Tính sao bây giờ?", vợ tôi hớt hải to nhỏ vào tai tôi khi thấy ông anh tôi cầm một xấp tiền lớn đi phát cho từng đứa trẻ trong nhà. Tôi chỉ mỉm cười, dùng ánh mắt trấn an vợ rồi quay trở lại với câu chuyện vui vẻ đầu năm với mọi người.
Tục mừng tuổi đầu năm là một phần phần văn hóa không thể thiếu của người Việt mỗi dịp Tết đến. Lì xì là biểu tượng của sự may mắn, bình an và hạnh phúc, là điều mà bất kỳ ai cũng mong muốn có được vào ngày đầu xuân năm mới. Tuy nhiên, theo thời gian, những phong bao đổ ấy dần mất đi ý nghĩa khi cả người trao và người nhận có những suy nghĩ lệch lạc về nó.
Thực ra, suy nghĩ vừa vợ tôi không phải điều lạ ở xã hội ngày nay. Khi giá trị đồng tiền chi phối nhiều mặt của đời sống, suy nghĩ của con người ta cũng dần bị nhuốm màu thương mại hóa. Tôi tự hỏi, từ khi nào giá trị bên trong bao lì xì được người ta chú trọng đến thế? Từ khi nào, chiếc phong bao đỏ trở nên vô tác dụng đến vậy?
Trở lại với truyền thống có từ lâu đời của dân tộc, phong bao lì xì ra đời mang theo rất nhiều ý nghĩa sâu xa và tốt đẹp. Nó tượng trưng cho sự kín đáo, là vật che đi giá trị đồng tiền bên trong, giúp con người ta không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích không đáng có. Người ta trao nhau những những phong bao màu đỏ, tượng trưng cho như ý, cát tường, thịnh vượng, như một cách chúc nhau may mắn trong suốt cả năm.
Nói cách khác, số tiền trong mỗi bao lì xì, ít hay nhiều không quan trọng, bởi chúng đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, có ý nghĩa biểu trưng cho một năm tốt đẹp và sung túc. Ý nghĩa của một chiếc bao lì xì không nằm ở mệnh giá tiền bao nhiêu, mà chính là ở những thông điệp mà nó muốn gửi gắm, cũng như tâm ý của người trao tới người được nhận.
>> Sợ con 'lạc loài' vì ít tiền lì xì
Thế nhưng, theo năm tháng, mọi thứ dần thay đổi. Giờ đây, chứng kiến những đứa trẻ hồn nhiên xé toạc phong bao lì xì trước chỗ đông người, rút ra tờ tiền bên trong, đem so bì với anh em, chúng bạn rồi cất vội vào túi riêng, tôi thấy có chút buồn. Nhất là khi người lớn chứng kiến tất cả mà không có hành động nhắc nhở gì. Một đứa trẻ lên ba ngày nay cũng biết đến giá trị của đồng tiền, biết tờ nào mệnh giá cao, tờ nào mệnh giá thấp, biết tỏ thái độ hân hoan hay thất vọng mỗi khi mở phong bao. Rõ ràng, chúng đã không được dạy về ý nghĩa của phong tục lì xì.
Thực ra, chuyện này cũng là hệ quả tất yếu, khi bản thân người lớn đã thay đổi nhận thức về văn hóa lì xì. Người ta giờ mừng tuổi để thể hiện đẳng cấp của bản thân. Giống như ông anh tôi, rút từng tờ tiền đưa cho con trẻ mà chẳng cần đến phong bao, tức là coi trọng giá trị đồng tiền hơn ý nghĩa tượng trưng của chúng. Hay như vợ tôi, coi tiền lì xì của con trẻ là món nợ của người lớn, sợ người ta đánh giá nhau qua chuyện mừng tuổi nhiều hay ít. Cứ thế, người lớn chúng ta vô tình hiểu sai lệch về câu chuyện lì xì, rồi bỏ quên cả việc dạy cho trẻ con hiểu về ý nghĩa của tiền mừng tuổi.
Người ta thường nói "phú quý sinh lễ nghĩa", nhưng thực tế có những phong tục đẹp đang dần mai một hoặc bị biến tướng khi kinh tế ngày một nâng cao. Tôi vẫn luôn giữ vững lập trường của mình, mừng tuổi con trẻ chỉ 20.000 đến 50.000 đồng tùy mối quan hệ thân thiết hay xã giao, tùy điều kiện kinh tế của mình, riêng người lớn tuổi là 100.000 đồng với ý nghĩa chúc ông bà, cha mẹ sống lâu trăm tuổi. Và tất cả những tờ tiền mừng tuổi ấy đều được bỏ trong những phong bao lì xì màu đỏ tượng trương cho lời chúc may mắn.
Tôi không muốn lì xì đầu năm trở thành nơi để người ta phô trương sự giàu sang, thể hiện đẳng cấp, hay trao đổi tiền bạc qua lại. Khi tâm ý bị che mờ bởi giá trị vật chất của đồng tiền, phong tục sẽ biến thành hủ tục. Vậy nên, nếu thấy cần và thấy vui, hãy giữ tục mừng tuổi đầu này trong phạm vi ý nghĩa hồn nhiên của nó. Chỉ cần bỏ một đồng tiền nhỏ trong cái bao đỏ, tặng cho nhau với lòng thành tâm và lời chúc an lành, vậy là đủ. Đừng câu nệ hình thức, rồi vô tình trao cho nhau những gánh nặng và món nợ không đáng có.
Đến giờ, tôi vẫn luôn nhắc nhờ con cái về việc trân trọng những phong bao lì xì nhận được, tuyệt đối không được bóc, mở trước chỗ đông người. Cũng nhờ thế, con tôi ít khi để ý ai mừng ít, mừng nhiều, cũng không có thói quen so sánh tiền lì xì với anh em, bạn bè. Ít nhất, tôi vẫn đang cố giữ cho con sự trong sáng trong suy nghĩ về Tết, ít nhất đến khi con đủ trưởng thành để có quan điểm riêng. Nhưng tôi tin, những tiền đề mình tạo cho con hôm nay sẽ giúp chúng có cái nhìn đúng đắn sau này.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.