"Hàng nghìn biệt thự bỏ hoang nơi đất đấu giá 130 triệu một m2 gần như là nghịch lý, diễn ra ở tất cả các địa phương hiện nay chứ không riêng gì Hà Nội hay TP HCM cả. Việc quản lý đất đai, tính thuế, cho đến vấn đề phát triển kinh tế hiện nay đều chủ yếu dựa trên nguồn lực bất động sản, chứ không phải bằng thực chất phương thức sản xuất hay dịch vụ thương mại hàng hóa.
Thực tế, tất cả bất động sản nói trên đều có chủ, tất cả căn hộ chung cư hay thậm chí là biệt thự cao cấp khi đưa ra thị trường đều hết sạch hàng chỉ trong tích tắc. Nhưng có ai nhận thấy rằng được bao nhiêu căn hộ thực sự "sáng đèn" vào ban đêm? Hay chỉ là ánh sáng bên ngoài của khu đô thị hay chung cư đó? Bởi đơn giản, phần lớn chúng đều nằm trong tay những người "lướt sóng" kiếm lời nhờ vào bất động sản tăng giá.
Thế nên, chúng ta phải thay đổi cách quản lý, phải thay đổi cách tính thuế bất động sản, thay đổi cách quản lý những người đang hoạt động môi giới bất động sản riêng lẻ, phải xây dựng sàn giao dịch bất động sản, niêm yết giá công khai như những loại hàng hóa khác, phải giao dịch toàn bộ bằng phương thức chuyển khoản... có như vậy họa may mới kiểm soát được giá cả bất động sản. Hạ tầng đồng bộ thì mới phù hợp và đủ khả năng cho tất cả người dân có nhu cầu chính đáng là 'mua ở hoặc thuê ở'.
>> 'Trúng đấu giá đất hơn 15 tỷ nhưng chỉ phải đặt cọc 130 triệu đồng'
Đất đai là của toàn dân, nhưng người muốn mua ở thì không có khả năng, người đã có nhà thì thừa tiền nên muốn đi đầu tư kiếm lợi từ đất đai, làm chênh lệch giữa thu nhập và giá trị bất động sản ngày càng lớn. Mong muốn có nhà ở vì thế ngày càng trở nên xa vời với những người có thu nhập trung bình, thấp.
Tôi không nói đầu tư chính đáng vào bất động sản là sai, nhưng tôi mong muốn làm sao để khiến dòng tiền dư thừa nhàn rỗi đó không chảy vào nhà, đất mà hãy chuyển vào sản xuất, vào dịch vụ, chạy vào thương mại, vào ngân hàng... Điều đó mới giúp nền kinh tế của quốc gia phát triển bền vững".
Đó là quan điểm của độc giả Anhtuan xung quanh những phiên đấu giá đất huyện ven Hà Nội gây xôn xao dư luận thời gian qua. Ở Hoài Đức ngày 19/8, hơn chục lô đất tại xã Tiền Yên được trúng với giá trên 100 triệu đồng mỗi m2, lô cao nhất lên đến 133,3 triệu đồng - ngang với biệt thự, liền kề tại một số khu đô thị xung quanh. Điều đáng nói, đây cũng là một trong những khu vực có loạt dự án với hàng nghìn biệt thự, liền kề bỏ hoang suốt nhiều năm qua.
Tình trạng đổ xô đấu giá đất, đẩy giá đất huyện trúng vượt trăm triệu đồng một m2, trong khi hàng nghìn căn biệt thự liền kề xung quanh, giá tương đương lại bỏ hoang, tạo nên tình cảnh nghịch lý của thị trường bất động sản hiện nay. Nguyên nhân sâu xa đều đến từ mục đích đầu cơ găm hàng chờ lướt sóng. Việc này tạo ra hệ lụy giá nhà tiếp tục leo thang, vượt qua khả năng của người dân.
- 'Bỏ tiền tỷ mua đất huyện vùng ven Hà Nội giá hơn 100 triệu đồng một m2'
- Siết chặt đấu giá đất
- Tăng tiền đặt trước để ngăn bỏ cọc như Tân Hoàng Minh
- 'Tân Hoàng Minh hưởng lợi sau bỏ cọc'
- 'Nhà đất ngáo giá vì tâm lý FOMO'
- 'Mua đất vùng ven Hà Nội, chờ lên giá hết nửa đời người'