"Chứng kiến đất làng lên 'cơn sốt' trong thời gian gần đây, tôi thấy lo lắng khi một cơn sốt đất mới đang xuất hiện, có điều, lần này nó lại được hợp pháp dưới danh nghĩa đấu giá. Làng làng, xã xã đấu giá đất, đẩy giá đất lên cao bất thường chỉ trong vài giờ. Thử hỏi, ai có lợi trong cơn sốt này? Theo tôi, trước tiên là chính quyền địa phương sẽ thu được số tiền lớn. Sau đó là người dân xung quanh vùng đấu giá có nhiều đất để bán khi giá lên cao.
Vậy còn ai chịu thiệt hại? Đó là người đi mua, thuê đất làm dự án, nhà xưởng, để sản xuất kinh doanh, và người dân đi mua đất để ở. Tình trạng này sớm muộn cũng sẽ gây nhiều hệ lụy. Khi đất nông thôn có giá ngang ngửa với đất thành phố, các chi phí khác có thể sẽ tăng theo.
Về mặt pháp lý, việc cấm phân lô bán nền ở đô thị lớn, nhỏ, dẫn đến khan hiếm đất nền. Chỉ còn duy nhất đất đấu giá. Thêm nữa, giá đất sẽ tiệm cận giá thị trường theo bảng giá đất hàng năm, cụ thể là tăng 5-50 % (các vùng chưa phát triển sẽ tăng cao nhất). Ví dụ, giá đất Hoài Đức hiện tại chỉ 7,3 triệu đồng một m2, nếu sau này giả sử tăng giá 15 lần thì giá nhà nước cũng hơn 100 triệu đồng mỗi m2.
Như vậy, giá đấu hiện trên dưới 100 triệu đồng mỗi m2 cũng là tiệm cận với giá thị trường trong tương lai. Về mặt tâm lý, người có tiền sẽ mua với giá này vì dự đoán bảng giá đất mới giá cũng sẽ cao như vậy, không dễ mua trong tương lai. Khi mà bảng giá đất mới xuất hiện thì giá đấu này sẽ không bất thường nữa và người ta hoàn toàn có thể bán được giá cao hơn.
>> 'Cọc một tỷ đồng đấu giá 10 lô đất để kiếm lời vài trăm triệu'
Lý thuyết là vậy, nhưng tôi nghĩ kiếm được người mua lại không dễ. Bây giờ, người khôn nhiều, của không còn khó nữa, vì giá này người ta hoàn toàn có thể vào vùng ven Hà Nội, hoặc TP HCM vẫn có đầy lựa chọn. Ví dụ, đất ở TP Thủ Đức, trục đường nhỏ, giá 100 triệu đồng mỗi m2 không thiếu. Vậy tại sao phải mua đất ở nơi hạ tầng còn kém phát triển, rồi đợi vài chục năm nữa may ra mới bằng vùng ven?
Nhà anh họ tôi đang rao bán căn nhà trong ngõ ở quận nội thành Hà Nội, cách đường lớn khoảng 100 mét, giá 150 triệu đồng mỗi m2 nhưng mãi chưa bán được vì nhà lớn (diện tích 70 m2, xây năm tầng). Vậy mà đất Hoài Đức cách trung tâm Hà Nội 20 km, chỉ có điểm nhấn là sắp lên quận, gần vành đai 4 mà giá trúng đã cao nhất 133 triệu đồng mỗi m2. Điều đó liệu có hợp lý không?
Nói cách khác, chẳng phải bà con Hoài Đức nếu bán toàn bộ nhà đất là có thể vào trung tâm Hà Nội mua nhà dễ dàng hay sao? Rõ ràng, so với vùng nông thôn, tính thương mại rất thấp, dù mặt đường lớn thì với giá này người ta thà vào gần trung tâm hơn mà mua cho rồi".
Đó là quan điểm của độc giả Hongnhungpaticusi về những cuộc đấu giá đất vừa diễn ra tại các khu vực ngoại thành Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức. Lượng người tham gia đấu giá lớn (lên tới 1.500 người), mức giá trúng quá cao (có những lô gấp 18 lần mức khởi điểm) là những điểm được xem là bất thường trong các phiên đấu giá đất này. Người không có tiền cũng chẳng thể thờ ơ khi đất vùng ven, đất làng xã ngoại thành mà giá một mét vuông đến hơn trăm triệu, ngang với đất nội thành Hà Nội.
Có nhiều nghi ngờ về tình trạng đầu cơ, tạo thị trường ảo để thổi giá đất sau trúng đấu giá. Còn bạn nghĩ sao về hoạt động này?
- Ai hưởng lợi khi đất TP HCM tăng giá 50 lần theo bảng giá mới?
- 'Nhà đất ngáo giá vì tâm lý FOMO'
- 'Không dám bán nhà Hà Nội vì chẳng đủ tiền mua mới'
- '20 năm nữa may ra giá nhà Hà Nội, TP HCM mới giảm'
- 'Chưng hửng vì giá nhà tăng 25% sau một năm chần chừ mua'
- 'Bỏ 5 tỷ đồng mua nhà Hà Nội trong ngõ sâu như hầm trú ẩn'