"Hai thủy thủ hỗ trợ hoạt động chữa cháy trên tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard dương tính với nCoV trong lần xét nghiệm gần đây, sau khi biểu hiện triệu chứng", thiếu tá Nicole Schwegman, phát ngôn viên hải quân Mỹ, cho biết trong thông cáo hôm 17/7.
"Hoạt động truy vết đã xác định được 27 người tiếp xúc gần", Schwegman cho biết. "Tất cả những người tiếp xúc gần với người nhiễm nCOv đều bị hạn chế đi lại. Hải quân Mỹ tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn Covid-19 để bảo vệ sức khỏe trong lực lượng".
Một thủy thủ tham gia chữa cháy cho biết phần lớn trang thiết bị chữa cháy trên tàu Bonhomme Richard đều đã bị ngọn lửa hủy hoại, nên các thủy thủ phải mượn đồ bảo hộ của các tàu neo đậu trong cảng.
"Các thủy thủ thường xuyên đổi chỗ, dùng chung thiết bị chữa cháy như mặt nạ và găng tay", thủy thủ này cho biết.
Hơn 400 thủy thủ từ 16 tàu neo đậu tại San Diego tham gia dập lửa trên chiến hạm Bonhomme Richard, tư lệnh hải quân Mỹ Mike Gilday nói trong cuộc họp báo tại San Diego ngày 17/7.
Sau 4 ngày chữa cháy, ngọn lửa trên Bonhomme Richard đã được dập tắt, nhưng số phận con tàu hiện chưa rõ ràng, bởi quá trình đánh giá thiệt hại do vụ cháy gây ra chưa hoàn thành. Đô đốc Gilday nói chiến hạm 22 tuổi có thể được sửa chữa song "không chắc về việc này".
Chiến hạm Bonhomme Richard được đặt tên theo bản dịch tiếng Pháp của cụm từ "Richard Khốn khổ", bút danh của cựu tổng thống Mỹ Benjamin Franklin, là một trong 8 tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp của Mỹ. Tàu Richard được biên chế vào năm 1998, hải quân Mỹ khi đó dự kiến vận hành chiến hạm trong 40 năm.
Sàn đáp dài trên tàu đổ bộ tấn công Richard dài hơn 240 m, thủy thủ đoàn 1.200 người gồm lính hải quân và thủy quân lục chiến. Chiến hạm mang theo nhiều trực thăng, tiêm kích F-35B cùng các phương tiện đổ bộ. Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ ước tính chiến hạm có chi phí chế tạo khoảng 761 triệu USD và đang thực hiện gói nâng cấp 250 triệu USD, khiến giá trị của nó vượt một tỷ USD.
Covid-19 bùng phát vào tháng 12/2019, xuất hiện tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 14,6 triệu ca nhiễm, hơn 609.000 ca tử vong và hơn 8,7 triệu người đã bình phục. Mỹ đang là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 3,9 triệu ca nhiễm và hơn 143.000 người chết.
Hải quân Mỹ trải qua nhiều tháng phải cân bằng giữa duy trì nhiệm vụ và đảm bảo sức khỏe cho các thủy thủ giữa Covid-19. Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt phải đình chỉ nhiệm vụ khoảng hai tháng do gần 25% thủy thủ đoàn của chiến hạm nhiễm nCoV, trong đó một người thiệt mạng.
Nguyễn Tiến (Theo Task&Purpose)