Hải quân Mỹ hôm 16/7 thông báo đã kiểm soát được đám cháy trên tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard sau bốn ngày chiến đấu với ngọn lửa. Chuẩn đô đốc Philip Sobeck, chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 3 hải quân Mỹ, tin rằng con tàu có thể được sửa chữa và trở lại hoạt động, nhưng nhấn mạnh hải quân Mỹ chưa quyết định có thực hiện công việc tốn kém này không.
Đại tá hải quân Mikhail Nenashev, chủ tịch Phong trào Tương trợ Các đội tàu toàn Nga (DPF), cho rằng Mỹ sẽ mất chiến hạm trị giá một tỷ USD này vì thiệt hại sau vụ cháy quá nặng, nhấn mạnh sự cố cũng là bài học để hải quân và ngành công nghiệp đóng tàu Nga cải thiện biện pháp bảo đảm an toàn.
"Các tàu chiến Nga cũng gặp nguy cơ cao khi neo đậu bảo dưỡng. Kinh nghiệm trong lực lượng hải quân của tôi cho thấy thủy thủ đoàn trong quá trình neo đậu tại cảng thường mất cảnh giác, lơi lỏng các biện pháp đề phòng thường được áp dụng khi ra biển. Đây là bài học cho tất cả chúng ta", đại tá Nenashev nói.
Đại tá hải quân dự bị Nga Vasily Dandykin cho rằng cháy nổ là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trên tàu biển, khiến các thủy thủ dân sự và quân sự đều phải làm quen với quy trình bảo đảm an toàn và chữa cháy khi ngọn lửa bùng phát.
"Việc không tuân thủ quy định an toàn có thể dẫn tới thảm họa. Đám cháy này có thể bắt nguồn từ sự cố kỹ thuật hoặc thủy thủ đoàn lơ là quy định an toàn. Thiết kế tàu đổ bộ tấn công khiến ngọn lửa dễ lan khắp nơi, đó là điều rất tồi tệ. Điều quan trọng là không ai thiệt mạng khi cứu tàu, đó cũng là bài kiểm tra khó khăn nhất với các thủy thủ", đại tá Dandykin nêu quan điểm.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga từng bị cháy khi bảo dưỡng hồi tháng 12/2019. Ngọn lửa bao trùm khu vực rộng 600 mét vuông, khiến hai người thiệt mạng và 14 người bị thương. Điều tra cho thấy sự cố bắt nguồn từ sự tắc trách, không tuân thủ quy tắc an toàn của nhân viên kỹ thuật hàn trong quá trình bảo dưỡng.
Vũ Anh (Theo VPK)