Một trong những vấn đề của ngành giáo dục cần suy ngẫm theo tôi là việc khen thưởng học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Đã đến lúc chúng ta cần đặt câu hỏi: Liệu hình thức này có còn phù hợp và mang lại giá trị tích cực cho học sinh hay không?
Khen thưởng động viên hay tạo áp lực?
Việc khen thưởng học sinh giỏi, về lý thuyết, nhằm khuyến khích tinh thần học tập của các em. Tuy nhiên, trên thực tế, nó có thể vô tình tạo ra môi trường hơn thua, so đo. Nhiều học sinh cố gắng đạt điểm cao không phải vì yêu thích việc học mà vì áp lực danh hiệu, thành tích. Thậm chí, việc xin điểm, nâng điểm để đạt điểm cao đồng đều giữa các môn cũng trở nên phổ biến.
Có câu: "Bất thượng hiền, sử dân bất tranh" – tức khi không có sự so bì, con người mới thực sự phát triển tự nhiên. Nên theo tôi, việc khen thưởng học sinh giỏi cũng nên tính toán lại để học sinh được phát triển một cách toàn diện nhất.
Thưởng tiền cho học sinh giỏi?
Các khoản khen thưởng học sinh giỏi thường đến từ quỹ lớp, quỹ trường, tức là do phụ huynh đóng góp. Học sinh học giỏi là thành quả của cá nhân và vinh hạnh cho gia đình, vậy tại sao phải dùng tiền của tập thể để thưởng? Việc học tập là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi học sinh, không nên trở thành gánh nặng tài chính cho xã hội. Trong khi đó, có nhiều phụ huynh gặp khó khăn nhưng không dám lên tiếng phản đối vì áp lực chung.
>> Cha mẹ có sai khi khoe giấy khen, bảng điểm của con cái?
Tinh giản nghi thức, tập trung vào giá trị thực tế
Không chỉ vấn đề khen thưởng, các nghi thức chúc mừng bằng hoa tươi, quà tặng cũng cần được xem xét lại. Nếu có thống kê cụ thể, con số chi tiêu cho hoa tươi trong ngành giáo dục chắc chắn không hề nhỏ. Trong khi đó, nhiều gia đình vẫn chật vật lo cho con cái đến trường với từng cuốn sách, đồng phục hay bảo hiểm. Chúng ta kêu gọi hỗ trợ học sinh nghèo, nhưng lại lãng phí tài nguyên vào những việc mang tính hình thức hơn thực chất, vậy có ổn không?
Tóm lại, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại việc khen thưởng và câu chuyện hình thức trong môi trường học đường. Thay vì tốn kém vào những hoạt động mang tính danh nghĩa, hãy tập trung nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất hơn. Điều quan trọng nhất không phải là những tấm giấy khen, mà là việc giúp học sinh phát triển toàn diện, biết cách học, biết cách ứng xử, và trở thành những con người có giá trị trong xã hội.
- Quan trọng hóa giấy khen tiểu học
- 'Chỉ nên trao giấy khen cho học sinh xuất sắc'
- Buổi lễ tri ân thầy cô cầu kỳ
- Cô giáo trốn chạy khỏi phong bì ngày 20/11
- 'Tốn tiền triệu đóng quỹ lớp chỉ để bỏ phong bì tặng thầy cô'
- Tri ân thầy cô bằng phong bì hay hiện vật?