"Tôi không nghĩ thưởng Tết là phần thưởng công ty dành thêm cho nhân viên như kiểu một khoản cam kết trung thành. Nói chính xác đó là phần thưởng cho những đóng góp và cống hiến của nhân viên trong suốt một năm làm việc vất vả đã qua. Đâu phải ai cũng được nhận thưởng và đâu phải phần thưởng Tết nào cũng giống nhau, tất cả tùy theo thành quả và cống hiến của mỗi người mà thôi. Cho nên, nhân viên xứng đáng nhận được phần thưởng cho những đóng góp của mình trước khi rời đi. Không có gì phải ngại, càng không phải vô ơn khi nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết. Thực tế, chẳng phải công ty nào cũng có ơn với nhân viên".
Đó là quan điểm của độc giả Ltthuyquyen về câu hỏi "chờ nhận thưởng Tết rồi nghỉ hay nghỉ việc ngay?" được nêu trong bài viết "Mang tiếng vô ơn vì nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết". Đứng từ góc độ người lao động, nhiều ý kiến cho rằng chuyện nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết là bình thường, không có gì đáng chỉ trích. Tuy nhiên, số khác lại đánh giá từ góc độ người sử dụng lao động, coi chuyện chờ thưởng Tết rồi mới nghỉ việc là hành động thiếu chuyên nghiệp.
Bạn đọc Sukata bình luận: "Tiền thưởng Tết là thành quả của năm cũ, cũng như việc bạn nhận thù lao cho những đóng góp của mình suốt cả năm qua. Thế nên, nó không liên quan gì đến ơn nghĩa cả. Khi nào bạn mới vào làm đúng dịp cuối năm, nhận thưởng (như người khác) rồi nghỉ luôn, lúc đó mới xét tới chuyện ơn nghĩa. Có điều, tôi nghĩ ít công ty nào thưởng Tết cho người chưa có đóng góp gì, nên họ cũng chẳng có cơ hội mà vô ơn".
>> Từ chối nhảy việc lương cao vì tiếc thưởng Tết 3 tháng lương
Đồng quan điểm, độc giả Dinktoan phân tích: "Trừ khi bạn thực sự mang ơn với doanh nghiệp hoặc chủ doanh nghiệp và đang làm để trả ơn cho họ, chứ không có chuyện mang ơn nào ở đây mà nói người nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết là vô ơn. Mối quan hệ của người lao động và doanh nghiệp là bình đẳng. Bạn cần tiền lương, còn doanh nghiệp cần lao động, sòng phẳng, rõ ràng như vậy, chứ bản thân doanh nghiệp cũng có ban phát cho bạn ơn huệ gì đâu? Vì vậy, tôi nghĩ nếu ông bà sếp nào nói nhân viên vô ơn, thì bạn cứ mạnh dạn nhảy việc".
"Tôi từ lâu cũng nhận ra cái điệp khúc lừa dối của các sếp. Lương hay thưởng Tết thì bản chất vẫn là một. Đó là khoản tiền cắt lại từ doanh số được người lao động tạo ra. Tôi bán hàng thu về 100 triệu đồng thì tôi nhận 10% là 10 triệu, nhưng doanh nghiệp chia thành lương 9 triệu và 1 triệu còn lại trả sau vào dịp Tết (thưởng Tết). Vậy nên chẳng có ơn huệ gì ở đây hết. Tôi nhận thưởng rồi nghỉ là hai bên không ai nợ ai. Tôi giờ thuê nhân viên, cũng bảo thẳng luôn là 'không phải ơn huệ gì'. Các bạn có tâm với doanh nghiệp của tôi thì các bạn làm đúng hợp đồng. Còn không làm đúng thì tôi cho các bạn nghỉ", bạn đọc Hố Đen nói thêm.
Ủng hộ tư tưởng công bằng cho khoản thưởng Tết, bạn đọc Tieu Nho kết lại: "Đứng từ góc độ doanh nghiệp, chẳng ai muốn trả tiền thưởng cho một người để rồi họ lại ra đi ngay cả. Nhưng trong một cuộc mua bán sức lao động thì mọi thứ đều sòng phẳng. Người nghỉ việc thường có nhiều nguyên nhân (vì lương thấp; áp lực công việc; hoặc cảm thấy bất công khi người khác làm ít, hưởng nhiều còn mình làm nhiều, hưởng ít...) nên chuyện ra đi là rất thường.
Người đi làm thấy chỗ nào 'đất tốt thì đậu', còn không thì dù lương cao họ vẫn ra đi để kiếm môi trường khác có cơ hội thăng tiến hơn. Tiền thưởng cuối năm cũng có một phần công sức của họ nên họ đáng được hưởng, đó là công bằng. Nếu doanh nghiệp không muốn họ ra đi thì cứ làm tốt công việc quản lý, có chính sách đãi ngộ hấp dẫn. Còn không, họ không chỉ lấy tiền thưởng, mà có khi còn phá đi những gì đã xây dựng, lúc đó còn mệt hơn".
- Nhân viên quèn chê thưởng Tết bèo bọt
- Thưởng Tết giáo viên 'hai kg đường, một lít dầu ăn'
- Tôi không trông đợi thưởng Tết
- Tôi nghỉ việc vì công ty không thưởng Tết
- Thưởng Tết bất công
- Nỗi oan nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết