'Việc nhận thưởng Tết rồi nghỉ với tôi chẳng có gì gọi là hành động vô ơn. Thưởng Tết cuối năm là phần thưởng cho sự đóng góp của người lao động với công ty trong suốt cả năm trước đó, nên nó hoàn toàn sòng phẳng. Có ai thưởng Tết trước một năm đâu mà gọi là vô ơn? Còn nhân viên nghỉ trước Tết mà công ty 'xù' thưởng Tết cho họ mới gọi là lợi dụng công lao mà nhân viên đã cống hiến thời gian trước đó. Công bằng thưởng Tết nếu không vi phạm hợp đồng thì lẽ ra phải là nhân viên nghỉ sẽ được thưởng Tết theo tỷ lệ thời gian làm việc trong năm trước đó".
Đó là quan điểm của độc giả Eng.txh xung quanh câu chuyện "nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết". Càng gần đến Tết, chủ đề "nghỉ việc cuối năm" lại trở nên nóng hổi trên các diễn đàn, mạng xã hội. Ý kiến được chia thành hai luồng: chờ nhận thưởng Tết rồi nghỉ hay nghỉ việc ngay. Nhiều người cho biết đã từ bỏ các mức thưởng cuối năm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả việc sợ bị đánh giá là "vô ơn".
Nói về vấn đề này, bạn đọc Cuongnguyen phản biện: "Không nên quan tâm lắm đến việc sếp nghĩ gì khi mình nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết. Vì quan hệ trong kinh doanh là sòng phẳng, chẳng ai thương ai cả, ai cũng làm vì lợi ích cá nhân mà thôi. Lúc khó khăn thì công ty cũng sa thải nhân viên, chứ có nghĩ đó là hành động 'vô ơn' với nhân viên đâu?
Nguyên tắc trong kinh doanh là hợp lý, tôn trọng nhau. Nếu thấy trong thời gian làm, bạn đã nỗ lực, cống hiến đủ, xứng đáng nhận tiền thưởng thì cứ ở lại chờ nhận thưởng xong rồi nghỉ. Còn ngược lại, nếu thấy đóng góp của mình không nhiều thì bạn nên nghỉ sớm trước Tết. Mà đã xác định ở lại nhận thưởng thì nên bạn cũng nên có lịch chuyển việc hợp lý, có thông báo trước, không nghỉ đột ngột là được".
>> Từ chối nhảy việc lương cao vì tiếc thưởng Tết 3 tháng lương
Cho rằng người nghỉ việc cũng xứng đáng nhận thưởng Tết, độc giả Lộc Nguyễn bình luận: "Thưởng Tết là sự ghi nhận thành quả cống hiến trong suốt một năm lao động của cả tập thể, nên nói người nghỉ việc vô ơn là không phù hợp. Có chăng, trước khi nghỉ, bạn báo trước cho công ty theo đúng thủ tục, để họ tìm nhân sự thay thế là được".
"Giữa người lao động và người sử dụng lao động ở đây là quan hệ hợp tác, cộng tác, chứ không ai đi xin và không ai cho không. Việc nhân viên ở lại chờ lấy thưởng rồi mới nghỉ cũng là hết sức bình thường vì đây phần thưởng cho cả năm làm việc của họ. Người ta không đi xin xỏ để được số tiền ấy nên chẳng có gì là vô ơn cả", bạn đọc Thanh Phan Tien nói thêm.
Trong khi đó, nhấn mạnh tầm quan trọng trong thái độ ứng xử đúng mực của người nghỉ việc để tránh ác cảm, độc giả Lucifer kết lại: "Thời điểm chuyển việc rất quan trọng. The tôi, đừng nghỉ ngay sau Tết, vì người ta sẽ nghĩ bạn 'cạn tàu ráo máng' và không tốt cho cả bạn lẫn công ty. Khi nhà tuyển dụng mới hỏi về công ty cũ và lý do nghỉ việc sau Tết, đây là một điểm trừ rất nặng cho bạn.
Tốt nhất là nên nộp đơn nghỉ việc vào khoảng sau Tết ít nhất một tháng để công ty có thời gian tuyển người mới thay thế, hoặc bố trí nhân lực khác lấp vào chỗ trống. Và bạn cũng nên bàn giao xong xuôi công việc trước khi rời đi, giữ sự chuyên nghiệp đến phút cuối cùng".
- 12 năm thưởng Tết không nổi hai triệu đồng
- Thưởng Tết giáo viên 'hai kg đường, một lít dầu ăn'
- Tôi không trông đợi thưởng Tết
- Tôi nghỉ việc vì công ty không thưởng Tết
- Thưởng Tết bất công
- Nỗi oan nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết