Tác giả bài viết Tôi sợ sinh con ra bị 'đói cơ hội xuất phát' sợ mất cái chưa có. Con của tỷ phú không nhất định làm tỷ phú, con của doanh nhân không nhất định làm doanh nhân...Tóm lại, mỗi người có đam mê sở thích riêng không nhất định đi theo con đường của cha mẹ.
Xuất phát điểm cao thì sao khi mà con cái không học theo con đường mà cha mẹ nó dọn sẵn? Có bằng cấp của trường danh tiếng thì diện xin việc sẽ rộng ra, không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia thôi. Còn có thành đạt tại nơi làm việc hay không cần sự nỗ lực của bạn. Tóm lại, ai cũng phải nỗ lực, phải cố gắng. Không nỗ lực, không cố gắng, xuất phát điểm cao đụng trần cũng bị đào thải.
Sự nỗ lực, cố gắng ấy là cả quá trình suốt đời chứ đâu phải chỉ dựa vào xuất phát điểm. Người ta học cái gì để làm công việc gì chứ không có ai "thèm học" đâu. Người ta học một bằng và dùng tấm bằng ấy làm việc suốt đời. Còn nhiều người "thèm học" nên học một hơi 2 – 3 bằng, đến khi đi làm, ngoài 30 tuổi mới bắt đầu tích lũy kinh nghiệm làm việc so với bạn chỉ học một bằng đã chậm đi ít nhất 8 năm.
>> 'Ngại sinh con thứ hai không vì thích hưởng thụ'
Kiến thức lý thuyết không so được với kinh nghiệm thực tế đâu. Chậm đi một năm là kém người ta cơ hội thăng tiến nói chi chậm những 8 năm. Làm quản lý điều hành có cái khó của nó, làm nghiên cứu khoa học có cái khó của nó, làm sếp hay nhân viên quèn cũng có cái khó của nó. Tóm lại làm việc gì cũng có cái khó của nó. Nếu bạn không nỗ lực vận dụng những kiến thức đã học, những kinh nghiệm đã biết để giải quyết cái mới phát sinh ngoài ý muốn, há miệng chờ sung trông cậy vào ai đó nghĩ thay bạn thì bạn chẳng bao giờ thành đạt được dù bạn có xuất phát điểm cao đụng trần. Bạn không thành đạt thì sau này con bạn sẽ phải nỗ lực gấp đôi người khác.
Tương tự, ta có xuất phát điểm thấp hơn người khác vì cha mẹ ta không thành đạt. Nói đi nói lại điều này lại chẳng sa vào câu chuyện "con gà và quả trứng". Giả sử tôi học phổ thông trường làng (không có chữ "chuyên"). Tốt nghiệp đại học kỹ thuật rồi đi làm. Sau mấy chục năm làm việc kiếm được số vốn vài trăm tỷ cũng tạm xem như thành đạt. Thế thôi, chứ còn giàu như đại gia, tỷ phú thì tầm của tôi không vươn tới được. Tính ra, các vị đại gia tỷ phú ấy nhiều người có xuất phát điểm còn không bằng tôi nhưng họ vẫn giàu hơn tôi là vì sao? Chắc chắn là họ phải nỗ lực hơn tôi và không có ai trong số họ đem xuất phát điểm ra so sánh.
>> 'Làm 5 năm vẫn kiếm dưới 15 triệu đồng thì không nên trụ lại Sài Gòn'
"Học một thời nỗ lực một đời" bạn nhé. Hiện tại bạn không bằng tôi nhưng bạn có cái hơn tôi – đó là tuổi trẻ. Ai biết được mấy chục năm sau bạn sẽ thành đạt đến mức nào? Tuổi trẻ luôn nhìn về phía trước, vắt óc lựa chọn và quyết định cho tương lai. Tuổi già thường nhìn về phía sau với câu hỏi "nếu được sống lại thời tuổi trẻ, liệu ta có lựa chọn và quyết định khác". Bạn chưa già mà đã nhìn về phía sau rồi.
Nhìn về phía sau, so sánh, ghen tỵ với người khác không phải là lối suy nghĩ đúng đắn với độ tuổi của bạn đâu. Bạn luôn phải có suy nghĩ "mình ngày hôm nay phải hơn mình ngày hôm qua" mới được. So với người sao bằng so với chính mình.
Đấu tranh với người khác dễ hơn với chính mình rất nhiều. Chỉ cần mình vượt qua được chính mình thôi là mình đã vượt qua được rất nhiều người rồi. Còn so sánh ghen tỵ với ai đó gần gần với bạn, cùng lắm là bạn chỉ vượt qua được người đó thôi. Vượt qua được chính mình, tốc độ thành đạt của bạn có thể nói là nhanh như mơ. Còn nếu chỉ vượt qua ai đó thôi thì cái tốc độ ấy chậm lắm vì luôn luôn và bao giờ cũng có người giỏi hơn, có xuất phát điểm cao hơn ở phía trước.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.