Thực tế nếu lương bạn đã cao hơn lương tối thiểu thì việc tăng lương không giúp thu nhập bạn cao hơn. Hầu hết công nhân ở Sài Gòn đều thu nhập 6-8 triệu đồng mỗi tháng chứ làm gì có ai nhận đúng theo lương tối thiểu vùng.
Tăng lương tối thiểu thực tế chỉ làm tăng mức đóng BHXH, BHYT, tăng lương cho viên chức vì nhận theo hệ số. Tuy nhiên hệ quả của tăng lương tối thiểu là... vật giá chạy trước lương, chưa bao giờ "lương" tăng bù kịp trượt giá. Chưa kể nếu người lao động thu nhập trên 30 triệu đồng thì mỗi lần "lương tối thiểu" tăng thì thực lãnh sẽ giảm đi vì mức đóng BHXH tăng lên.
Như vậy để nâng cao đời sống người lao động cần giảm gánh nặng tài chính, thông qua giảm thuế, ví dụ như giảm thuế ... xăng dầu là cái đơn giản và cơ bản nhất. Trợ cấp học phí cho học sinh nghèo, giảm thuế thu nhập cá nhân, thậm chí... giảm tiền điện, nước, cũng là những cái rất cơ bản nhưng lại giúp ích trực tiếp cho người lao động nói chung.
>> Làm sao mua 500 nghìn đồng thực phẩm ba người mỗi tuần?
Thuế thu nhập cá nhân hiện nay còn bất cập và chỉ thu trên những người "có tóc" , nghĩa là người làm công ăn lương thực lãnh qua ngân hàng. Có ba sự bất hợp lý:
- Mức giảm trừ gia cảnh quá thấp: từ 9 lên 11 triệu đồng vẫn là quá thấp so với tốc độ trượt giá của hàng hóa.
- Mức giảm trừ cho người phụ thuộc quá thấp: 4,4 triệu đồng để nuôi một đứa con, một người già là vừa suýt soát. Nếu ở thành thị như Sài Gòn, Hà Nội là chắc chắn không đủ. Ví dụ học phí mầm non hiện tại trường công cũng đã 2-3 triệu đồng, trường tư thấp nhất cũng 3-4 triệu đồng, học phí cấp tiểu học tới phổ thông tầm 2-3 triệu đồng. Chưa kể tiền sữa, ăn uống, quần áo, thuốc men.
- Mức xác định người phụ thuộc là người có thu nhập lớn hơn một triệu đồng, thử hỏi một triệu đồng bây giờ làm sao mà đủ sống, mà không đủ sống thì phải phụ thuộc, mà phụ thuộc lại không được tính là... phụ thuộc.
Tran Minh Giang
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.