Những người từ 30 tuổi trở lên mua nhà hoàn toàn bằng lương là rất khó. Phần lớn thường từ ba nguồn : thứ nhất là nguồn hỗ trợ từ cha mẹ, người thân. Nguồn thứ hai là từ lương tiết kiệm và làm thêm, còn lại là vay ngân hàng.
Mua nhà hoàn toàn bằng lương chỉ có thể là người thành đạt hoặc may mắn chứ lương công nhân, viên chức thì không thể. Giá nhà và đất thì cứ tăng mãi vượt qua tầm với của nhiều người vì kể cả có ba nguồn trên thì bây giờ cũng không còn đủ nữa.
Tôi lấy ví dụ lương của hai ngành quan trọng bậc nhất là giáo dục và y tế công quá thấp, chưa xứng với những đóng góp của họ cho xã hội. Chuyện quá tải bệnh viện công và trường học công ở mọi cấp học. Thực ra những vấn đề này đã âm ỉ từ lâu kể từ khi người dân đổ vào các thành phố lớn mỗi năm một tăng.
Ban đầu thành phố còn gánh nổi một phần, nhưng từ khi cơ sở hạ tầng được nhà nước đầu tư nhiều hơn thì các chủ đầu tư cũng đua nhau xây nhà cao tầng trên những con đường mới mở đáp ứng nhu cầu nhà ở.
Trường học tư và bệnh viện tư cũng có nhưng cư dân lại không đủ tiền để vào học và chữa bệnh và tất cả lại dồn về các cơ sở công lập. Còn hệ thống công lập thì cũng không đủ nguồn lực để đầu tư nên phải chủ trương xã hội hoá từ từ.
Việc quá tải này không thể giảm ngay được vì xây bệnh viện công, trường công và vận hành nó là rất tốn kém. Mọi người đổ dồn vào hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM vì họ có thể tìm được việc làm "thượng vàng hạ cám" ở đây. Ở các vùng quê kể cả các thành phố tỉnh lẻ rất thiếu việc làm.
Sau giãn cách chống Covid-19, hơn hai triệu người đã rời TP HCM ùn ùn về quê là bức tranh đáng nhớ. Vấn đề là các tỉnh phải tạo nhiều khu công nghiệp, tăng cường xuất khẩu lao động để kéo dân về thì thành phố lớn mới hết quá tải.
Mặt khác, các doanh nghiệp tập trung phát triển nhà giá cao phục vụ cho thiểu số cư dân thành đạt do quỹ đất trung tâm thì ngày càng khan hiếm, quỹ đất vùng ven cũng không còn nhiều như trước nữa. Chúng ta lại đang ở thời kỳ dân số vàng nên nhà đất chỉ có tăng chứ không giảm.
>> Bài toán mua nhà hay ở trọ khi giá tăng nhanh gấp sáu lần lương
Thực tế chúng ta không thiếu đất, mà do thiếu việc làm nên người dân đổ dồn vào đô thị gây quá tải cả về nhà ở và hạ tầng vốn không dành cho họ. Một đô thị như TP HCM trước năm 1975 có dân số gần 3 triệu người, nay lên hơn 10 triệu người thì làm sao nhà ở đáp ứng kịp?
Bao năm qua nhà nước cũng đã đổ biết bao tiền của để cải tạo hạ tầng các đô thị, nhưng vẫn là không đủ. Muốn giãn dân là phải có nhiều khu công nghiệp ở vùng quê tạo việc làm để kéo dân về nhưng đấy là việc lâu dài.
Còn hiện tại giá nhà đất vẫn tăng và việc mua nhà đất bằng lương là càng ngày càng khó.
Hong Nhung
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.