Trong bối cảnh giá nhà và đất tăng cao so với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân, tỷ lệ lớn các giao dịch giá trị lớn mang tính chất đầu cơ, và thị trường tăng giảm biến động bất thường, UBND TP HCM đã có đề xuất thí điểm đánh thuế căn nhà thứ hai. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phối hợp với các cơ quan thể chế quy định tính thuế người sử dụng nhiều đất đai hơn so với hạn mức, bỏ hoang hóa đất.
Cá nhân tôi cho rằng, cần đánh thuế mạnh lên bất động sản bỏ hoang. Mục đích là để những ai có đất nhưng không có nhu cầu để ở, sản xuất kinh doanh, hay cho thuê, mà chỉ mua đất rồi bỏ hoang chờ tăng giá, sẽ phải đưa nguồn đất đó ra thị trường hoặc bắt buộc phải cho thuê hoặc tối thiểu xây nhà trọ, đem vào sản xuất kinh doanh gì đó. Tóm lại, điều đó sẽ làm nguồn cung nhà đất tăng lên đáng kể. Và khi nguồn cung tăng mạnh thì giá cả bất động sản cũng sẽ dần tiến về giá trị thực của nó. Tức là giá đất sẽ tăng, giảm theo sự phát triển kinh tế và dân số, chứ không tăng một chiều mà chẳng theo quy luật nào như hiện nay.
Ở đây, không phải tôi oán trách xã hội mua đất mà chỉ là nêu ra một thực trạng rất đáng báo động về giá bất động sản đang tăng quá cao so với thu nhập của dân. Điều này dẫn đến những bất ổn tiềm tàng cho tương lai của xã hội. Đừng nói đến chuyện phấn đấu mua nhà khi phần lớn dân thành phố dù có chấp nhận mua nhà vùng ven và "đi làm xa như đi phượt", thậm chí chấp nhận mua đất ở các tỉnh lân cận thì cũng rất khó có thể mua được. Bởi vì giá đất tăng trên bình diện cả nước chứ không chỉ tăng ở mỗi thành phố lớn, do nhu cầu tăng cao bởi lao động nhập cư và tăng trưởng kinh tế.
Ở Mỹ, người ta đánh thuế rất nặng lên đất bỏ hoang. Vì thế người giàu Mỹ mua đất xong đều đem đi làm sản xuất kinh doanh, cho công ty thuê, xây nhà trọ... Vì vậy, nguồn cung nhà ở của họ rất ổn so với dân số và người dân Mỹ có thể mua nhà hoặc thuê nhà thoải mái tùy theo thu nhập của họ. Giá nhà đất nhờ đó cũng không tăng quá cao so với các hình thức kinh doanh khác.
Mặt khác, giao thông nước họ rất tốt, người dân có thể thường xuyên thay đổi chỗ ở vì lý do công việc. Thế nên, tư tưởng phải có căn nhà để tránh tương lai không mua nổi nhà để ở, phải chịu cảnh sống nhà thuê suốt nhiều đời, như người Việt là không cần thiết. Với họ tiền bạc đem vào kinh doanh, đầu tư sinh lợi tốt hơn mua nhà ở nhiều.
>> Thiệt - hơn khi tính thuế người bỏ hoang đất
Ở Việt Nam thì trái lại, thuế đánh lên đất bỏ hoang gần như chẳng đáng kể. Vì thế, ai có tiền cũng đều đem đi mua đất xong để đó. Lượng cung nhà quá ít so với nhu cầu thực của của dân, nên giá bị đẩy lên cao ngất ngưởng, vượt quá xa thu nhập của người dân. Và do cung luôn quá ít hơn cầu, nên chẳng lạ gì khi tỷ lệ sở hữu nhà của người Việt lại cao hơn Mỹ.
Có người lo ngại việc đánh thuế bất động sản thứ hai, bỏ hoang, sẽ làm giá nhà đất tăng cao. Tôi lại không nghĩ như vậy. Giả sử mặt bằng phòng trọ tạm ổn hiện nay rơi vào khoảng 2-3 triệu đồng một tháng. Với mức lương trung bình 6-7 triệu đồng một tháng, bạn vẫn có thể gắng gượng thuê nhà để sống ở Sài Gòn được.
Nhưng nếu cả thành phố đồng loạt tăng mặt bằng giá nhà cho thuê lên 6-7 triệu đồng một tháng (gấp ba lần), thì lương cũng không thể tự dưng tăng vọt lên 18-20 triệu đồng tháng được, vì kinh doanh không thể khởi sắc đến mức đó. Vậy thì phần lớn dân nhập cư sẽ phải chấp nhận về quê, quỹ nhà trọ khi đó sẽ được giải phóng, chủ nhà sẽ buộc phải hạ giá cho thuê xuống để kiếm người thuê.
Thế nên, chủ trương chú trọng kiểm soát tài nguyên đất hiện nay là hợp lý. Chúng ta cần đánh thuế rất cao bất động sản thứ hai để hạn chế việc mua xong lại bỏ hoang đất để chờ lên giá. Đây là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết bởi không chỉ đem lại cơ hội mua nhà đất với giá trị thực cho phần lớn người dân, mà còn để bảo vệ người có tiền, kích thích họ đem tiền vào kinh doanh, phát triển sản xuất, đem lại lợi nhuận ổn định và bền vững lâu dài, hơn là để họ chôn vốn vào đất như hiện nay.
Winter
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.