Trong công điện ngày 1/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các dự án cao tốc là công trình quốc gia, phục vụ lợi ích chung cả nước, vì vậy chủ tịch các tỉnh, thành phải dành sự ưu tiên cao nhất về nguồn lực, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ dự án. Địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn, thiếu vật liệu cho dự án.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo sở ngành, huyện cùng chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với chủ sở hữu về giá đền bù, hỗ trợ, thuê đất, bồi thường cây, hoa màu với các mỏ nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước.
Giá vật liệu xây dựng cần được quản lý chặt, không để nâng giá, ép giá, bán cao hơn với mức giá được địa phương công bố. "Trường hợp phát hiện tình trạng cố tình thông đồng, ép giá cao hơn so với giá đã công bố phải xử phạt, xem xét thu hồi giấy phép", công điện nêu.
Địa phương cũng được giao bám sát diễn biến thị trường để cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng thông thường, chỉ số giá xây dựng phù hợp với mặt bằng giá trong khu vực. Người đứng đầu sở ngành, địa phương không hoàn thành nhiệm vụ nêu trên sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm.
Bộ Giao thông Vận tải được giao xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm toàn diện về nhu cầu vật liệu thi công (gồm đất, đá, cát đắp nền) cho các dự án cao tốc; có biểu đồ nhu cầu vật liệu theo tiến độ dự án đến năm 2024.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp toàn bộ trữ lượng mỏ cát đắp nền và công suất khai thác từng năm; phân quyền thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Toàn quốc đang xây dựng hàng loạt cao tốc, như tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn một các đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Đầu tháng 1, dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn hai với 12 dự án thành phần đồng loạt khởi công.
Tuy nhiên, hàng loạt dự án đang trễ hẹn do thiếu vật liệu. Ba tháng qua, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, dài 200 km đi qua Bình Thuận, Đồng Nai phải thi công cầm chừng do thiếu hơn 1,5 triệu m3 đất đắp nền.
Tại miền Tây, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài gần 110 km đang cần khoảng 18,5 triệu m3 cát đắp nhưng nguồn cung đang khó khăn. Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị An Giang, Đồng Tháp, mỗi địa phương bố trí 7 triệu m3 và Vĩnh Long 5 triệu m3 cát. Đến nay các tỉnh mới cân đối được chừng 3 triệu m3 và chưa thể khai thác ngay mà phải trải qua nhiều quy trình thủ tục.
Tương tự, dự án Vành đai 3 TP HCM dài 76 km sẽ khởi công vào tháng 6 tới cũng nguy cơ chậm tiến độ do thiếu nguồn cung cát đắp nền. Tổng nhu cầu vật liệu cho công trình này ước tính gần 15 triệu m3, song các đơn vị tính toán nguồn mới đảm bảo 8 triệu m3 cát. Để đảm bảo vật liệu cho tuyến đường, TP HCM đã đề nghị các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang và Đồng Tháp hỗ trợ, đặc biệt là cát san lấp.