Theo đề xuất của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, đã được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý, vị trí chọn thí điểm cát biển là đường hoàn trả ĐT 978 dài gần một km ở tỉnh Bạc Liêu thuộc cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Tuyến cao tốc "xương sống" ở miền Tây dài 109 km, tổng đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, đã khởi công ngày 1/1.
Nguồn cát biển được lấy từ Trà Vinh với khối lượng 5.000 m3 (trong tổng số một triệu m3 đã được cấp phép khai thác). Phương án thi công là đắp nền bình thường, có taluy 1,5 m hai bên và lót vải địa kỹ thuật... Dự kiến, thời gian thí điểm khoảng 12 tháng, thực hiện đầu năm 2023.
Động thái dùng cát biển đắp nền cao tốc được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận sử dụng trong bối cảnh hàng loạt dự án cao tốc được triển khai trên cả nước, song thiếu nghiêm trọng nguồn vật liệu san lấp. Ở miền Tây, riêng hai dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng và Cần Thơ – Cà Mau cần khoảng 40 triệu m3 cát san lấp, nhưng nguồn vật liệu trong vùng không thể đáp ứng.
Tại các buổi làm việc với các địa phương liên quan diễn ra hai tháng qua, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) cho biết nhu cầu cát san lấp cho dự án này là 18,5 triệu m 3. Tuy nhiên, tỉnh An Giang chỉ cam kết được một triệu m3, dự án còn thiếu 17,5 triệu m3.
Ở địa phương kế bên, trữ lượng khai thác cát ở Đồng Tháp hơn 7 triệu m3, trong khi nhu cầu sử dụng cát cho các dự án đầu tư công trên địa bàn là 13,6 triệu m3. Chưa kể tỉnh cần 6 triệu m3 để làm hai cao tốc Cao Lãnh – An Hữu và Cao Lãnh - Mỹ An. Từ thực tế trên, tỉnh Đồng Tháp chưa xác định được nguồn, số lượng cát cung ứng cho cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nói đã rà soát, nguồn cát từ các mỏ trên Sông Hậu, đoạn qua địa bàn tỉnh. Tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu cát đắp nền cho dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng (đoạn qua địa bàn tỉnh dài 58 km) là 6,7 triệu và dự án cầu Đại Ngãi hai triệu m3. Vì thế địa phương khó xoay xở nguồn cát cho cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.
"Địa phương có hơn 13 tỷ m3 cát biển. Trong đó có hơn một tỷ m3 gần bờ, độ mặn thấp, rất tiềm năng cho khai thác sử dụng", ông Lâu nói và cho biết nếu được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành vào cuộc khảo sát, thử nghiệm thành công, nguồn cát biển này sẽ đảm bảo cung ứng vật liệu san lấp cho các công trình trọng điểm ở miền Tây trong tương lai.
Ông Nguyễn Tiến Minh, Phó cục trưởng Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết nguồn cát biển tại Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đáp ứng yêu cầu về thành phần hạt đắp nền đường. Cơ quan chuyên môn đang đánh giá ảnh hưởng nhiễm mặn của cát biển đối với môi trường xung quanh, cuối năm mới có kết quả. Trước mắt việc triển khai cao tốc ở miền Tây dùng cát ở An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long.
Cửu Long