Nội dung vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND thành phố, sau khi rà soát kế hoạch cung ứng vật liệu cho Vành đai 3. Đây là dự án giao thông liên vùng đi qua TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, sẽ khởi công giữa năm nay.
Tổng nhu cầu vật liệu làm Vành đai 3 ước tính gần 15 triệu m3. Trong đó, đất đắp nền, cát xây dựng các địa phương có tuyến đường đi qua cơ bản đáp ứng đủ. Tuy nhiên, dự án có nguy cơ thiếu 7,2 triệu m3 cát đắp nền.
Qua khảo sát, hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long có thể cung ứng 50% (khoảng 3,6 triệu m3) cho dự án, nhưng chưa có sự đồng ý của 2 địa phương này. Số cát đắp nền còn lại dự kiến lấy tại Đồng Tháp và An Giang, song hai tỉnh này từ chối cung cấp vì phải ưu tiên cho các công trình trên địa bàn.
Do đó, để bảo đảm nguồn cát phục vụ dự án Vành đai 3 sắp khởi công, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chính quyền thành phố có công văn gửi 4 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long hỗ trợ. Đồng thời, tổ công tác điều phối nguồn vật liệu dự án sẽ phối hợp các bên liên quan có kế hoạch khảo sát thực tế tại các địa phương, bao gồm danh sách mỏ đang khai thác và dự phòng để chuẩn bị vật liệu xây dựng công trình.
Trước đó tại hội nghị triển khai Vành đai 3 TP HCM hồi tháng 1, các địa phương cho biết tiến độ công việc liên quan dự án cơ bản đảm bảo, chỉ lo ngại nguồn cung ứng vật liệu vì thời gian khởi công cận kề. Vành đai 3 dù được áp dụng một số cơ chế đặc biệt, song khó khăn về trữ lượng, chất lượng mỏ (nhất là vật liệu đắp) cùng thủ tục khai thác, chuyển mục đích sử dụng đất... đang là khó khăn lớn.
Vành đai 3 TP HCM được đầu tư giai đoạn một dài hơn 76 km, tổng đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026. Đây là tuyến đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông liên vùng TP HCM còn thúc đẩy kinh tế, xã hội cả Vùng trọng điểm phía Nam.
Gia Minh