"Việt Nam không đặt tham vọng là người giỏi nhất, nhưng muốn là bạn của những người giỏi nhất trong nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi có khát vọng thành quốc gia thịnh vượng và đủ tự tin làm điều đó", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018 ngày 13/9. Phát biểu này lập tức nhận được những tràng pháo tay không ngớt từ phía dưới khán phòng, với sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ông cũng đánh giá, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua luôn duy trì trong nhóm cao, có tiến bộ rất lớn về môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành công xưởng thế giới và là một quốc gia có độ mở kinh tế cao, đạt trên 200% GDP, cùng với đó là sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân.
"Chúng tôi hiểu rằng khi mình tiến lên thì các quốc gia khác cũng tiến lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Do vậy, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn, các doanh nghiệp phải phấn đấu cao hơn, sáng tạo mạnh mẽ hơn, thu hẹp khoảng cách trong khu vực, đóng góp mạnh mẽ vào sự nghiệp phát triển đất nước. Thắng lợi của các bạn chính là thắng lợi của Chính phủ", Thủ tướng nói.
Sau đó, ông cho biết, Việt Nam luôn nhất quán trong đề cao thương mại tự do, toàn cầu hoá bởi những nhân tố này đã đem lại lợi ích to lớn cho đất nước trong hơn 30 năm đổi mới.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Phúc, dù đã tham gia nhiều chuỗi giá trị toàn cầu nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều việc để làm, khi doanh nghiệp Việt Nam mới tham gia được vào khâu giản đơn như lắp ráp sản phẩm. Ở một số địa phương, bộ, ngành vẫn gây khó cho doanh nghiệp, cản trở đầu tư phát triển.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng cũng khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc đóng vai trò kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài. "Chính phủ mong các nhà đầu tư nước ngoài cởi mở hơn, tạo cơ hội nhièu hơn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đặt niềm tin nhiều hơn vào năng lực của doanh nghiệp Việt Nam", ông nói.
Sau đó, Thủ tướng đối thoại với hơn 1.000 doanh nghiệp tham dự Diễn đàn. Trả lời câu hỏi về mục tiêu lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ Điện tử do đích thân Thủ tướng làm Chủ tịch, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Uỷ ban này sẽ có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.
Trước câu hỏi về khả năng phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Thủ tướng cho biết, sẽ trình Quốc hội phê chuẩn hiệp định này tại cuộc họp vào tháng 1. Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này sẽ "là trợ lực cho kinh tế Việt Nam trong xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư trong, ngoài nước, nhưng đi kèm đó cũng là những thách thức không nhỏ".
Ở góc độ ngược lại, hiệp định này cũng đem lại khá nhiều thách thức cho Việt Nam. Trước tiên là Chính phủ cần sửa đổi một số thể chế pháp luật để thích ứng với CPTPP. Hai là phát triển sản phẩm đủ chất lượng cạnh tranh trong thị trường rộng lớn của 11 nước thành viên. Cuối cùng là phải nâng cao chất lượng, năng suất lao động trong bối cảnh cách mạng 4.0 đang diễn ra và được bàn thảo sôi nổi.
"Chúng tôi tin tưởng với nỗ lực của Việt Nam và các nước thành viên, CPTPP sẽ thành công", ông bày tỏ tin tưởng.
Nguyễn Hoài