Bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với tờ The Straits Times về lập trường của Việt Nam với vấn đề bảo hộ kinh tế, định hướng chính sách hay cách thức triển khai nền kinh tế kỹ thuật số.
Trước câu hỏi của The Straits Times về quan điểm của Việt Nam với vấn đề bảo hộ kinh tế khi lo ngại cuộc chiến thương mại toàn cầu đang xấu đi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng bảo hộ không phải là giải pháp cho sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia. Thực tiễn phát triển của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung cho thấy thương mại là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.
"Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và xung đột thương mại quốc tế gia tăng, Việt Nam ủng hộ tăng cường hệ thống thương mại đa phương tự do, công bằng, minh bạch và dựa trên luật lệ quốc tế", người đứng đầu Chính phủ đánh giá.
Dẫn chứng việc Việt Nam tham gia các tổ chức thương mại, đặc biệt là việc ký kết các thỏa thuận thương mại song phương, đa phương như Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Thủ tướng cho rằng Việt Nam đã thể hiện sự nhất quán với chính sách hội nhập kinh tế quốc tế ở khu vực cũng như trên toàn cầu.
Độ mở và sự năng động của Việt Nam còn được người đứng đầu Chính phủ nhắc đến trong vấn đề hoạch định chính sách. Việt Nam đã thể hiện tinh thần đó qua ba thay đổi tích cực thời gian gần đây.
Đầu tiên là về vấn đề khởi nghiệp. Chính phủ đã có chính sách tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.
Thứ hai là về môi trường kinh doanh. Theo Thủ tướng, Chính phủ đã tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, một số biệt hiện tích cực như cắt giảm số lượng điều kiện kinh doanh hiện hành, thực hiện cơ chế một cửa, yêu cầu kết nối dịch vụ công ở cấp độ 4 hay hoàn toàn thông quan điện tử, giảm số lượng kiểm tra thông quan.
Vấn đề thứ ba được người đứng đầu Chỉnh phủ nhắc đến là tinh thần kinh doanh của Việt Nam được phản ánh trong chiến lược hội nhập quốc tế. "Tuy là một nền kinh tế có trình độ phát triển chưa cao nhưng Việt Nam đã tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết sẽ giúp thúc đẩy tinh thần kinh doanh và hoàn thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam", Thủ tướng đánh giá.
Về vấn đề phát triển kinh tế số, Thủ tướng đánh giá Việt Nam có những điều kiện thuận lợi và là thị trường đủ lớn cho phát triển kinh tế số, đầu tư các mô hình kinh doanh mới. Việt Nam có dân số trẻ và có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ mới, khoảng 60% trong 93 triệu người dân Việt Nam dưới 35 tuổi và khoảng 54% dân số sử dụng Internet.
Để làm được điều này, bốn định hướng được đưa ra bao gồm kiến tạo môi trường thuận lợi, tập trung xây dựng Chính phủ điện tử, đồng bộ hóa hạ tầng thông tin và cuối cùng là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.
Minh Sơn