Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) khai mạc sáng 12/9 với phần chia sẻ về lựa chọn trong thời kỳ 4.0 của lãnh đạo 7 quốc gia ASEAN, Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa và Chủ tịch WEF Klaus Schwab. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng tham dự.
4 sáng kiến của Việt Nam cho ASEAN thời kỳ 4.0
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang tới 4 sáng kiến của Việt Nam nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 và đẩy lùi những thách thức từ cuộc cách mạng này.
Thứ nhất là việc kết nối số, chia sẻ dữ liệu; cùng với chú trọng thương mại điện tử, thanh toán điện tử. "Dữ liệu là nền tảng của 4.0 nên cần xây dựng quy tắc để việc chia sẻ chúng được sử dụng hiệu quả", ông nhấn mạnh.
Thứ hai, xây dựng cơ chế hài hoà môi trường kinh doanh, hệ thống luật pháp giữa các thành viên khu vực giúp nâng cao năng lực nội khối. "Liên kết một cửa ASEAN là cơ hội tốt. Tại diễn đàn này, Việt Nam đưa ra sáng kiến mới hoà mạng di động một giá cước toàn ASEAN", ông nói.
Nhắc tới việc một doanh nghiệp khởi nghiệp Indonesia hợp tác với Việt Nam, sắp ra đời ứng dụng gọi xe trên nền tảng 4.0, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tin tưởng sẽ có nhiều hơn những "cuộc bắt tay giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp trong khu vực".
Thứ ba, ASEAN cần kết nối, vận hành các vườn ươm sáng tạo, và xây dựng khuôn khổ kết nối các vườn ươm này.
Cuối cùng, ông Phúc cho rằng, ASEAN cần hình thành mạng lưới giáo dục, xây dựng hệ thống học tập suốt đời. "Trong bối cảnh lan toả cách mạng 4.0, chúng ta phải chung tay hợp tác, phát huy sức mạnh nội khối để hướng tới hoà bình, ổn định, tự cường dựa trên nền tảng người dân, lấy người dân làm trung tâm; đảm bảo tự do lưu chuyển hàng hoá", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng Lý Hiển Long: Xây dựng khu vực tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh kết nối giữa các quốc gia trong khu vực. Ông nhận định các nước ASEAN có vị thế tốt để tận dụng cơ hội cuộc cách mạng này nhờ nền tảng quy mô GDP của cả khối đạt 2.700 tỷ USD, lực lượng lao động trẻ có trình độ tốt và đã có những nền kinh tế phát triển dựa trên công nghệ số. Tuy nhiên, để không bỏ lỡ cơ hội từ 4.0, việc xây dựng mạng lưới, tạo sự đồng bộ kết nối giữa các quốc gia là một trong những yêu cầu quan trọng.
"ASEAN từ trước đến nay đã luôn hợp tác, làm việc với nhau, chúng ta cần hướng tới tầm nhìn 2025 để tạo ra một khu vực thống nhất, không kẽ hở”, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh và cho rằng cũng cần xây dựng khu vực tư nhân, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ và thúc đẩy tinh thần doanh nhân.
Ông Lý Hiển Long đề cao vai trò của thương mại điện tử và giao thương không biên giới. Đây cũng là một trong những trụ cột để đưa ASEAN tiến tới một thể thống nhất. Nhắc tới Việt Nam, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng Singapore và Việt Nam đã có những thành tựu trong kết nối. Singapore đã đầu tư 11 tỷ USD với 800 doanh nghiệp, tạo ra công ăn việc làm cho 200.000 lao động. Tại Việt Nam hiện cũng có 7 khu công nghiệp có sự hiện diện của doanh nghiệp Singapore. Sự kết nối này được Thủ tướng Singapore đánh giá là một trong những trụ cột quan trọng, và sẽ tiếp tục được thúc đẩy nhờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tổng thống Indonesia Widodo: Chưa bao giờ chiến tranh thương mại bùng nổ như hiện nay
Tổng thống Joko Widodo thông tin, hồi tháng 4 đã công bố chương trình hướng tới Indonesia 4.0 để khẳng định quan điểm cuộc cách mạng này sẽ tạo ra nhiều công việc hơn là phá hủy, không chỉ trong dài hạn mà ngắn hạn.Ông cũng khẳng định tài nguyên là vô hạn. Công nghệ phát triển đã giúp con người sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, tạo ra những công cụ hữu ích, nhẹ nhàng hơn, đồng thời giảm tác động đến môi trường và thậm chí giảm bất bình đẳng giàu nghèo.
Widodo dành một phần thời lượng để đề cập chiến tranh thương mại bùng nổ như một thách thức của khu vực. Ông ví tình hình toàn cầu như bộ phim “Cuộc chiến Vô cực” và việc này là do nhận thức trong mỗi cá nhân, rằng thương mại là một cuộc chiến phải có kẻ thắng, người thua. Ông kêu gọi các nước cần xem lại bài học lịch sử. "Chỉ có hợp tác mới tạo ra được sự thịnh vượng bao trùm", ông nói.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh tinh thần doanh nhân và 4.0 là nhân tố chủ chốt để xác định hướng đi tiếp theo cho các nền kinh tế; định hình lại các nhân tố sản xuất, hành vi tiêu dùng... "Sự tiến bộ về công nghệ dựa trên trí tuệ thông minh, sử dụng người máy; công nghệ sinh học... đã đem lại sự thay đổi nhanh chưa từng thấy trong lịch sử", ông nói.
Tuy vậy, khi nghĩ về những thay đổi mang tính chất tích cực, ông cũng lưu ý khó khăn các nước khu vực có thể gặp phải. Đó là cần có trình độ giáo dục cao hơn; phân phối lợi ích; thiếu khung pháp lý đủ mạnh bảo vệ sự an toàn của số liệu, dữ liệu...
Riêng với Campuchia, ông cho biết, trong cuộc cách mạng 4.0, quốc gia này đang trong lộ trình thúc đẩy phát triển tinh thần kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp dựa trên cơ sở số hoá.
Thủ tướng Lào cũng đồng tình với quan điểm rằng thế giới sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong thập kỷ tới và riêng với ASEAN, Cách mạng 4.0 là cơ hội chưa từng có để phát triển về khoa học – công nghệ. Nó sẽ giúp các quốc gia, doanh nghiệp tăng năng suất lao động, khả năng cạnh tranh và hội nhập vào chuỗi giá trị trong khu vực cũng như trên thế giới.
Tuy vậy, sự tiến bộ của khoa học công nghệ cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức, như khoảng cách phát triển hay an ninh mạng. Vì vậy, ông cho rằng ASEAN cần tiếp tục duy trì tính trung tâm, thống nhất, tăng nghiên cứu về 4.0 và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để đưa ASEAN đi lên.
Myanmar 'đi tắt' vào 4.0 với tâm thế 'nước đi sau'
Với chủ đề ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, hội nghị diễn ra trong 3 ngày, từ 11/9 đến 13/9 tại Hà Nội. Sáng 11/9, trong buổi tiếp kiến của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh với Ông Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), đại diện WEF cho biết sẽ mở trung tâm về cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, sau khi đã làm tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Singapore.
WEF ASEAN năm nay có quy mô lớn nhất trong các hội nghị trước đây tại Đông Nam Á, với hơn 1.000 đại biểu từ 43 quốc gia. Họ sẽ tham gia 53 phiên họp chính thức và 35 phiên thảo luận cộng đồng về các vấn đề trong khu vực, từ chính trị, khởi nghiệp đến việc làm trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Độc giả có thể xem trực tiếp phần lớn các phiên thảo luận của WEF ASEAN 2018 trên VnExpress.
Bên cạnh đó, Cố vấn nhà nước Myanmar - Daw Aung San Suu Kyi bắt đầu với cuộc cách mạng 4.0 với "tâm thế của nước đi sau", buộc phải "đi tắt". "Chúng tôi không tin tưởng vào chủ nghĩa bảo hộ mà mở cửa thị trường, nhờ đó chỉ trong 5 năm, Myanmar đã có bước phát triển nhảy vọt về phát triển viễn thông, dữ liệu di động... "Nếu sợ cạnh tranh chúng tôi sẽ không theo kịp các quốc gia khác đã đi trước nhiều năm trong hành trình cuộc cách mạng công nghệ này", bà San Suu Kyi nói.
Vì là nước đi sau, nên cách tiếp cận của Myanmar cũng khác biệt, khi chọn và đặt niềm tin vào yếu tố con người, phát triển hệ thống giáo dục và đưa những ý tưởng công nghệ, sáng tạo của người trẻ. Vì vậy, chỉ sau 5 năm, Myanmar đã bước đầu đạt được một số thành công, mà như so sánh của bà San Suu Kyi là "nhảy vọt", như truy cập băng thông rộng tăng từ 1% lên 105%; từ chỗ người dân cho rằng "giữ tiền an toàn nhất là nhét dưới đệm" thì nay 30% đã gửi tiền vào ngân hàng và thực hiện các thao tác thông qua điện thoại di động kết nối mạng... Điều này giúp Myanmar không còn là người đi sau trong cách mạng 4.0.
Đến lượt mình, Phó thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kết nối với ASEAN, không chỉ về kết nối số, mà còn là kết nối thực thể, để nâng cao vai trò của ASEAN. Ông cũng cho biết với Thái Lan, Cách mạng 4.0 là “một bước ngoặt lớn trong cách sống, làm việc và kinh doanh” tại đây. Vì vậy, họ đã xây dựng một chính sách 4.0, hướng tới chuyển đổi sang nền kinh tế được dẫn dắt bởi đổi mới – sáng tạo, tập trung phát triển nhân lực và các ngành công nghiệp mục tiêu.
Phó thủ tướng Trung Quốc: Chủ nghĩa bảo hộ là nguy cơ với kinh tế thế giới
Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa cho rằng, vẫn còn những bất ổn tiềm ẩn trong kinh tế thế giới, nhất là tại các quốc gia vẫn ủng hộ tinh thần bảo hộ. "Đây có thể là nguy cơ với nền kinh tế thế giới", ông nêu. Tuy vậy, Phó thủ tướng Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để nắm bắt cuộc cách mạng 4.0, ứng phó với thách thức, xây dựng liên kết kinh tế toàn cầu. "Bài học từ quá khứ cho thấy nếu co cụm lại sẽ không tốt. Vì thế, Trung Quốc sẽ không đóng cửa nền kinh tế, mà sẽ mở cửa ngày càng nhiều hơn bởi nó là con đường đúng đắn nhất để phát triển thành công", ông nói.
Trước đó, phát biểu đầu diễn đàn, Chủ tịch WEF - Klaus Schwab nhấn mạnh đây là "hội nghị thượng đỉnh cao cấp nhất được tổ chức", cho thấy tiềm năng khu vực ASEAN có sức mạnh như thế nào trong thế giới đang phân mảnh hiện nay. "Thế giới đang vào cuộc đua làm chủ cách mạng công nghiệp 4.0. Sự cạnh tranh này càng tăng cùng sự phát triển của nó", ông nói.
Theo chủ tịch WEF hiện có hai thách thức lớn. Một là, thế giới đang dịch chuyển từ hệ thống đơn cực sang đa cực, từ đơn phương sang đa phương. Dù nhiều quan điểm khác biệt song với mối quan tâm chung, ông Klaus Schwab tin tưởng sự đồng thuận cao trong nội khối ASEAN sẽ giúp vượt qua được thách thức này.
Hai là, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ thay đổi kinh doanh, nền kinh tế, năng lực cạnh tranh toàn cầu. "20 năm tới sẽ hoàn toàn khác biệt so với hiện nay. Các quốc gia thành công từ cuộc cách mạng 4.0 sẽ được "định nghĩa" lại bởi hệ thống doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp", ông nói.
Để thành công đòi hỏi các chính phủ ASEAN tạo ra các điều kiện phù hợp cho các công ty khởi nghiệp. "Cuộc cách mạng này sẽ xoá bỏ một số công việc nhưng cũng tạo ra cơ hội để các chính phủ làm việc với nhau, tạo mối tương tác nhiều hơn giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Tôi tin tưởng rằng các quốc gia ASEAN với dân số trẻ tuổi, tinh thần kinh doanh cao sẽ là những người đi đầu, chứ không phải đi sau trong cuộc cách mạng này", ông tin tưởng.
Hoài Thu - Hà Thu