Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) diễn ra ngày 13/9, bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, Chủ tịch WEF - ông Borge Brende chúc mừng Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh trong 8 năm qua, kể từ khi WEF lần đầu được tổ chức tại Việt Nam năm 2010.
Ông Brende cũng ấn tượng với nhiều cải cách kinh tế của Việt Nam thời gian qua. Đầu tiên là biện pháp kiểm soát nợ công của Việt Nam, đảm bảo tài chính công bình vững. "Kết quả này không phải bất kỳ đất nước phát triển nào cũng làm được", ông nói.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có bước đi cấu trúc lại doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường quản trị ở các tập đoàn yếu kém. Ấn tượng thứ hai là hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có giải pháp giảm nợ xấu, đảm bảo tính minh bạch trên thị trường tài chính. Thứ ba là lĩnh vực thương mại đã phát triển nhanh, mạnh khi đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do lớn, điển hình là CPTPP vừa được ký tháng 11 năm ngoái.
Cuối cùng là ấn tượng với cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. "Chính phủ Việt Nam không ngủ quên trên chiến thắng, không tự mãn. Hơn thế nữa,Việt Nam đang tiếp tục cải cách đảm bảo tăng trưởng trong tương lai", ông nhận xét.
Ông cũng chỉ ra khó khăn với Việt Nam là "đối mặt với những đổi mới như Internet vạn vật, tiền ảo...". Tuy nhiên, quốc gia tận dụng những nhân tố này sẽ thành công trong tương lai.
Cũng tại diễn đàn, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, tinh thần doanh nhân và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là những động lực mới trong phát triển kinh tế toàn cầu. Các chủ đề này cũng được thảo luận sôi nổi tại Việt Nam hai năm qua và Việt Nam được kỳ vọng là quốc gia có thể hiện thực hoá để bứt phá theo trào lưu cuộc cách mạng lần thứ 4.
Nhắc tới việc thành lập Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch, ông Lộc nhìn nhận, điều này thể hiện quyết tâm Chính phủ sẽ đi đầu trong nền kinh tế số, hướng tới nền hành chính minh bạch, hiệu quả.
“Những nỗ lực cải cách thể chế, chủ trương xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, cũng đang trở thành một động lực mới của nền kinh tế Việt Nam”, ông nhấn mạnh.
Bên cạnh những lợi thế truyền thống về địa, chính trị thuận lợi, chi phí nhân công rẻ, lao động trẻ... thì Việt Nam đang có những lợi thế mới trong kinh tế số. Báo cáo vừa công bố của mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu cho thấy, Việt Nam đứng thứ 6 trong số 54 nền kinh tế; đứng thứ 2 về môi trường đầu tư công nghệ, thứ 3 về nhân tài số trong khu vực...
Chủ tịch VCCI kỳ vọng, ngày càng có nhiều hơn doanh nghiệp ngoại tới Việt Nam, “cùng ‘nắm chặt tay’ doanh nghiệp Việt để xây dựng nên các chuỗi giá trị có trách nhiệm toàn cầu”.
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) năm nay quy tụ hơn 1.200 doanh nghiệp. Đây được coi là cơ hội giúp Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội thu hút đầu tư của các doanh nghiệp ngoại trong kỷ nguyên số, đặc biệt là các dự án, cơ hội đầu tư trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội... góp phần thực hiện ý tưởng về kết nối số với ASEAN và thế giới.
Song Thu