"Quy hoạch tốt thì mới có dự án, nhà đầu tư tốt, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, phát triển kinh tế xã hội", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại hội nghị trực tuyến về quy hoạch, ngày 19/8.
Ông cho biết, thực tế lập quy hoạch ngành, địa phương, vùng hay quốc gia phát sinh những tình huống khó dự báo hết, nên tinh thần khi làm là "không cầu toàn, không nóng vội nhưng phải hiệu quả".
Nhiều ý kiến tại hội nghị bày tỏ băn khoăn về vấn đề kết nối các quy hoạch, "cái gì có trước, cái gì có sau". Chẳng hạn, khó nhất là hiện chưa có quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng nhưng các địa phương đã phải lập quy hoạch của mình. Tính đồng bộ, khớp nối vì thế là thách thức.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chưa đạt yêu cầu. Việc lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực. Trong khi còn cách hiểu khác nhau nên triển khai chậm, lúng túng.
Ông Dũng cũng chỉ ra, việc phối hợp chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các bộ, địa phương còn hạn chế. "Nếu làm chậm, chúng ta sẽ lỡ một cơ hội phát triển cho đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Khía cạnh này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, việc lập quy hoạch không mới, nhưng điểm mới theo Luật Quy hoạch 2019 là phải đảm bảo tính tích hợp và làm đồng thời giữa quy hoạch ngành, địa phương, vùng và quốc gia. Do tính chất "đồng thời", nên việc phối hợp, trao đổi giữa các địa phương, bộ, ngành và trung ương là cần thiết để có được quy hoạch tốt.
"Quá trình lập quy hoạch, địa phương phải trao đổi thông tin, tham vấn với bộ, ngành; bộ ngành trao đổi với Trung ương... để có bản quy hoạch thống nhất, tốt nhất", ông lưu ý.
Thủ tướng cũng gợi ý, các địa phương phải bám sát lợi thế cạnh tranh để đưa ra định hướng bền vững. "Làm tốt quy hoạch, địa phương sẽ hạn chế được những yếu ké, tối đa hoá cơ hội, tận dụng nguồn lực cho phát triển kinh tế", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Góp ý thêm, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng thực tế muốn làm quy hoạch chuyên ngành vẫn phải trao đổi rất kỹ với các địa phương. "Khâu" này làm tốt thì khi lập quy hoạch địa phương sẽ khớp với quy hoạch ngành đã lập, và ngược lại, nên cũng không băn khoăn sau này quy hoạch địa phương mâu thuẫn với quy hoạch quốc gia. Tức là sau này khi xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia cũng phải trên cơ sở quy hoạch các địa phương đã được duyệt.
Phó thủ tướng lấy ví dụ, Bộ Giao thông vừa làm 5 quy hoạch ngành cũng đều phải làm việc rất kỹ với các địa phương "nên yên tâm khi lập quy hoạch địa phương sẽ khớp với quy hoạch ngành đã lập". Hiện đã có 4 quy hoạch ngành được thông qua, như đường sắt, đường bộ, đường thuỷ, đường biển và dự kiến ngày mai Chính phủ họp thẩm định quy hoạch đường hàng không.
Tuy nhiên, ông lưu ý, quá trình xây dựng quy hoạch ngành không vì tiến độ mà vội vàng, sơ suất bởi "hậu quả sẽ rất lớn". Lấy ví dụ rà soát quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030 (quy hoạch điện 8), Phó thủ tướng cho biết, quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh đã vượt các tổng nguồn của quy hoạch điện 8, nên phải rà soát rất nhiều. Mặt khác, dự thảo quy hoạch điện 8 đưa ra phân bổ nguồn điện giữa các vùng, miền chưa hợp lý, dẫn tới chi phí đầu tư hệ thống truyền tải rất lớn. Ông cho hay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát lại.
"Lập quy hoạch cần hai yếu tố, là am hiểu địa bàn, địa phương và chọn được tư vấn, chuyên gia tư vấn có tầm nhìn, tránh chuyện cục bộ, tránh lợi tích nhóm, manh mún...", Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói.
Để việc lập quy hoạch hiệu quả, đảm bảo tính đồng thời, tích hợp theo yêu cầu mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu dùng chung để các bộ ngành, địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng quy hoạch.
Cùng đó, ông đề nghị các bộ, ngành hoàn thiện thể chế, phân cấp, tăng cường kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính. Việc chọn tư vấn lập quy hoạch, cũng cần kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng, nhưng kinh nghiệm nhất vẫn là "chính những người làm thực tế, quản lý, lãnh đạo ở cấp uỷ, chính quyền".
"Lãnh đạo bộ, ngành và địa phương bám sát tình hình thực tiễn của ngành, địa phương mình, để xây dựng được một bản quy hoạch tốt nhất", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo báo cáo triển khai Luật Quy hoạch của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong năm 2021 sẽ có 20 trên 38 quy hoạch ngành quốc gia, một trong 6 quy hoạch vùng và 33 trong số 63 quy hoạch hoàn thành lập, thẩm định, trình phê duyệt. Số còn lại sẽ hoàn thiện trong năm 2022.
Sau khi được phê duyệt, các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành giai đoạn 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch đã lập trước đây.
Anh Minh