Chiều 28/8, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo lần 1 quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đây là lần đầu tiên Việt Nam lập quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia. Trước đó, quy hoạch năng lượng chỉ rải rác được đề cập trong các chiến lược ngành.
Tuy nhiên, bối cảnh xây dựng quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, theo Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An, hiện đã rất khác, khi Việt Nam "chuyển dịch từ nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu năng lượng ròng".
Báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, xu thế phát triển năng lượng thế giới sẽ tập trung vào việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch năng lượng, thực thi các chính sách mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng.
Phát triển trong thời kỳ nhập khẩu ròng năng lượng, Việt Nam sẽ ngày càng chịu nhiều tác động của các xu thế trên thế giới. Bên cạnh đó, với vai trò là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng sẽ phải thực thi các cam kết về chống biến đổi khí hậu.
"Với việc càng ngày tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam sẽ phải đối mặt với cả những thuận lợi và khó khăn trong việc đảm bảo phát triển bền vững hệ thống năng lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội", bà Ngô Thuý Quỳnh - Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí, than chia sẻ.
Ông Đặng Hoàng An cũng nhấn mạnh tới những khó khăn trong việc lập quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia lần này so với các quy hoạch mà Bộ Công Thương đã từng lập trước đây. Chẳng hạn, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia được chuẩn bị trong quá trình các quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia chưa thực hiện, trong khi đây là những yếu tố cốt tử đảm bảo quy hoạch không bị tác động bởi các chiến lược được lập sau này.
Ngoài ra, quy hoạch này được lập trên cơ sở tinh thần Nghị quyết 55 "phải đủ năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội, nhưng phải có giá hợp lý", nếu không, nền kinh tế không chịu nổi, giảm sức cạnh tranh.
Mặt khác, xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, nhất là các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hay thói quen sử dụng năng lượng, doanh nghiệp... đã thay đổi nhiều so với trước.
"Vì thế cơ sở hạ tầng logistisc đi kèm, cơ chế chính sách phát triển năng lượng bền vững, đồng bộ... sẽ rất quan trọng để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho phát triển", Thứ Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Theo ông Trần Mạnh Hùng - Trưởng phòng kinh tế và dự báo (Viện Năng lượng), quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia gồm toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng toàn quốc, có xem xét đến yếu tố xuất nhập khẩu năng lượng với các quốc gia khác. Trong đó, nhu cầu năng lượng được tính toán và dự báo cho toàn bộ các ngành sử dụng của nền kinh tế, gồm công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dân dụng và giao thông vận tải. Xây dựng phương án quy hoạch kết cấu hạ tầng cho 4 phân ngành chính là than, dầu khí, điện lực và năng lượng tái tạo.
Phân tích sâu vào ngành dầu khí, ông Nguyễn Anh Đức (Viện Dầu khí Việt Nam) cho hay, phần lớn các chỉ tiêu, mục tiêu trong quy hoạch ngành dầu khí 2020 đều đạt và vượt. Nhưng ở ngành công nghiệp khí còn nhiều điểm chưa đạt, như sản xuất khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) mới đạt gần 50%; lĩnh vực chế biến, tồn trữ và phân phối hiện mới chỉ đáp ứng nhu cầu sản phẩm hóa dầu gần 25%.
Lý do ông Đức nêu, các quy định của pháp luật ngành năng lượng nói chung và từng phân ngành vẫn thiếu tính liên kết, chưa tương thích với pháp luật quốc tế, trong khi các tiêu chí dự án ưu tiên lĩnh vực dầu khí có những đặc thù riêng biệt.
"Thủ tục, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho phân ngành dầu khí cần nêu chi tiết trong quy hoạch năng lượng tổng thể lần này mới có thể thu hút đầu tư khai thác khí, dầu ở các vùng nước sâu, xa bờ...", ông Đức nêu quan điểm.
Theo kế hoạch, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia gồm 14 chương và sẽ trình Chính phủ vào cuối năm nay. Hiện 5 chương đầu của bản quy hoạch đã hoàn thành, gồm đánh giá hiện trạng, tình hình thực hiện các phân ngành năng lượng trong giai đoạn vừa qua; dự báo phát triển năng lượng theo các kịch bản; hiện trạng sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam... Dự kiến, 5 chương tiếp theo sẽ được Bộ Công Thương hoàn thành trong tháng 9 và 3 chương cuối hoàn thành vào tháng 10.
Anh Minh