Quan điểm này một lần nữa được ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 4/4. Đây là lần thứ 4 dự Luật Quy hoạch được đưa ra bàn thảo tại cơ quan thường trực của Quốc hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, dự án luật này đưa ra cách tiếp cận mới, tránh chồng chéo trong lập, điều chỉnh quy hoạch - điểm vốn trước đây được cho là gây cản trở cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
"Cách làm mới này không một cơ quan nào có quyền lực tuyệt đối. Tất cả đều tích hợp, ngồi cùng nhau để phân tích cái nào lợi, cái nào hại, cái gì mang lại lợi ích tối đa cho quốc gia thì chọn ra", Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh.
Tham gia ý kiến trong phần thảo luận, Uỷ viên trường trực Uỷ ban Pháp luật -Nguyễn Trường Giang kỳ vọng dự luật lần này sẽ tạo ra đột phá trong công tác lập, thẩm định, quy hoạch nói chung. Nhưng một vấn đề đại biểu chưa yên tâm là việc chuyển tiếp, tích hợp các quy hoạch ngành vào hệ thống của luật rất phức tạp. Theo đó, dù luật sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2019 nhưng đến 2021, quy hoạch tích hợp mới thực hiện, vận hành.
Ông Giang cũng khuyến cáo cần cân nhắc thận trọng với một số quy hoạch quan trọng, nhất là các quy hoạch xây dựng. “Việc tích hợp một số nội dung của quy hoạch xây dựng vào hệ thống có nhiều điểm không hợp lý. Cần lưu ý đây là quy hoạch vật chất cụ thể, có tính đặc thù cao, liên quan đến không gian sống của người dân. Nếu “sai” một bước, ta có thể thấy tác động gây ra rất lớn, như những vấn nạn đối với các đô thị lớn đã thể hiện thời gian qua”, vị này phân tích.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) thì dẫn một loạt con số như 15 quy hoạch vùng liên tỉnh (vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn và vùng đặc thù) đã được Thủ tướng phê duyệt, 100% các tỉnh, thành đã hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, 19/19 khu kinh tế ven biển cũng đã xong quy hoạch… Vị này cho rằng với số lượng quy hoạch đã hoàn thành thì việc tích hợp vào tổng thể quốc gia sẽ là một khối lượng công việc khổng lồ, khó có thể hoàn thành, chưa kể đến khả năng trùng lặp.
Trong khi đó, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP HCM) lo ngại tư duy nhiệm kỳ sẽ chi phối quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch, dẫn tới phá vỡ hệ thống quy hoạch quốc gia. "Có quy hoạch rồi thì trách nhiệm quản lý, thực hiện sẽ thế nào? Nếu quy hoạch bị băm bát thì trách nhiệm thuộc về ai?...", bà Tuyết đặt câu hỏi và đề nghị luật lần này cần xác định rõ trách nhiệm trong xem xét, phê duyệt quy hoạch.
Góp ý với góc nhìn của một chuyên gia, Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & môi trường, dự Luật quy hoạch lần này đã góp phần chuyển đổi tư duy làm quy hoạch, từ bao cấp sang thị trường. Ông Võ cũng chỉ ra hai thách thức khi thực hiện luật này nếu muốn có một "kịch bản quy hoạch tích hợp như mong muốn". Một là, tích hợp để có một kịch bản thống nhất, không có tình trạng quy hoạch chống quy hoạch. Hai là, bản đồ mô tả sự phát triển đó phải là tốt nhất. Hai thách thức này chỉ có thể vượt qua nếu tích hợp sử dụng công nghệ thông tin trong quy hoạch.
Giải trình trước ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Đặng Huy Đông lý giải, điểm nổi bật nhất trong luật là có bản quy hoạch tổng hợp quy hoạch quốc gia, được làm theo phương pháp tích hợp, vì thế đã quy định rất rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bộ ngành. "Cùng trên mảnh đất, không gian lãnh thổ chỉ có quy hoạch này, không thể có quy hoạch khác", ông Đông nói.
Tuy nhiên, ông Đông cũng bày tỏ sự luyến tiếc bởi sau nhiều vòng làm việc, tiếp thu ý kiến... thì đến nay, chỉ có Bộ Xây dựng chưa đồng thuận. Tại hội nghị này, Bộ Xây dựng cũng không phát biểu ý kiến.
Theo kế hoạch, dự án Luật quy hoạch sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thêm một lần nữa. Sau khi ban soạn thảo tiếp thu ý kiến, thấy đủ điều kiện, dự luật sẽ được trình ra kỳ họp tới của Quốc hội.
Anh Minh