Tôi chia sẻ một thực tế vay mua nhà của mình. Năm 2010 tôi ly hôn, chia nhà được 600 triệu đồng, tôi mua nhà mới. Vì muốn con có căn nhà đẹp, tôi vay 1,2 tỷ thời hạn 9 năm. Khoảng 2011-2012, có những lúc lãi suất lên đến 21%, tôi trả cả gốc lẫn lãi mỗi tháng gần 30 triệu đồng. Nhưng cuộc sống cũng không đến nỗi khốn khó. Cứ có tiền thưởng thì trả thêm. Cuối cùng tôi hoàn tất trả nợ trong hơn ba năm.
Sau đấy, tôi lại để dành tiền nửa năm nhưng thấy không được nhiều lắm. Tôi tính mua ôtô 800 triệu đồng và mua nhà chung cư nhỏ cho em giá một tỷ đồng. Tôi lại vay 1,4 tỷ thời hạn 5 năm, mỗi tháng trả hơn 30 triệu đồng cả gốc cả lãi.
>> Lăn lộn trời Tây 20 năm không bằng 'ôm đất' ở Việt Nam
Nhưng số tiền còn dư tôi cũng không để dành được nhiều do tính cách cũng rộng rãi. Sau gần hai năm, tôi trả gần hết nợ, còn tầm 400 triệu đồng. Tôi lại muốn có tài sản nên lại đi mua nhà ba tỷ trong khi chỉ có tầm 400 triệu đồng tiền mặt. Tôi vay luôn ba tỷ đồng thời hạn chín năm, mỗi tháng trả 55 triệu cả gốc cả lãi.
Thực sự tôi không thấy áp lực trả nợ vì có thu nhập ổn định. Mà nếu không vay ngân hàng thì tôi cũng không thể để dành tiền để mua tài sản lớn được.
Tôi thấy nhiều người tiếc tiền lãi ngân hàng. Nhưng tôi nghĩ lãi suất như bây giờ ổn. Coi như đó là chi phí giúp tôi tiết kiệm được tiền.
Sẽ có nhiều bạn thắc mắc sao tôi kiếm được nhiều tiền mà không kinh doanh kiếm lời mà phải đi vay. Tôi là mẹ đơn thân và tính không thích bon chen làm ăn nên chọn cách này cho nhẹ nhàng. Dù công việc và năng lực của tôi còn có nhiều cơ hội kiếm thêm nhiều tiền, nhưng tôi không đánh đổi năng lượng và thời gian dành cho con.
>> So sánh mức tăng giá nhà giữa Việt Nam và nước ngoài
Từ kinh nghiệm thực tế của tôi, nếu bạn có thu nhập ổn định và vững chắc, cứ mạnh dạn vay mua nhà. Tỷ lệ vay bao nhiêu thì nên dựa theo mức sống. Ví dụ nếu để gia đình sống thoải mái, không quá tiết kiệm cần khoảng 20 triệu đồng một tháng thì bạn cần trừ số này trước. Số tiền còn lại chính sẽ dùng để trả nợ. Bạn sẽ dựa trên số tiền này để cân nhắc khoản vay và thời hạn.
Nói chung phải liệu cơm gắp mắm. Khi có lịch trả nợ phù hợp thì cứ yên tâm làm việc. Đừng quá áp lực về khoản nợ mà làm khó cuộc sống hiện tại của mình và gia đình.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.