Có một điều làm tôi nghĩ nhiều, đó là khi đọc được bản tin, với tựa đề là Thêm 23,2 triệu người Việt gia nhập tầng lớp trung lưu vào 2030. Trong đó nói rằng, theo nghiên cứu mới công bố của World Data Lab (Anh) cho biết, Việt Nam sẽ có thêm 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030.
Theo tiêu chuẩn của tổ chức này, tầng lớp trung lưu là những hộ gia đình có mức chi tiêu bình quân đầu người từ 11 đến 110 USD một ngày. 11 USD quy ra tiền Việt là hơn 250 nghìn đồng và 110 USD là hơn 2,5 triệu đồng.
Ở một vấn đề tương tự, kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 ghi nhận thu nhập bình quân của người dân đạt 4,23 triệu đồng/tháng, trong đó Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt hơn 7 triệu đồng/tháng.
Giả sử ta lấy mức thu nhập ở nơi cao nhất là Bình Dương, một cặp vợ chồng đi làm sẽ có tổng thu nhập trung bình là 14 triệu đồng mỗi tháng. Nếu lấy chuẩn là tiết kiệm 15% thu nhập mỗi tháng thì cặp vợ chồng này chỉ còn 11,9 triệu đồng. Giả sử họ có một con thì số tiền này chia đều cho mỗi người trong gia đình là 3,9 triệu đồng.
>> Cha mẹ 'cần một tỷ đồng để nuôi một đứa con'
Tôi nghĩ rằng với số tiền ấy, thì người nắm hầu bao của gia đình chắc hẳn sẽ phải thật dè sẻn, tính toán khéo léo và hy sinh nhiều khoản chi không thực sự khác thì mới đủ sống. Nhưng cuộc đời chỉ đâu có mỗi việc ăn uống và ở, còn tiền chi phí học hành cho con, mỗi năm lên mỗi lớp là chi phí lại tăng cao thêm.
Nếu như vẫn giữ nguyên mức thu nhập ấy và gia đình lại xuất hiện thêm một thành viên mới thì số tiền tiêu cho đầu người lại giảm xuống. Trong khi thời buổi bây giờ giá cả, chi tiêu có phần đắt đỏ hơn so với trước, thì chuyện gia đình đẻ một, hai con (là mức sinh được khuyến nghị) thì sẽ hụt hơi là chuyện đương nhiên. Gồng gánh chi tiêu cho gia đình bốn người, làm công nhân và ở trọ là một việc đau đầu.
Chi tiêu lúc này như đắp một cái chăn ngắn, muốn ấm phần đầu thì lạnh phần chân và ngược lại. Vậy nên họ cần phải hy sinh thêm nhiều khoản chi cho vui chơi, giải trí để đảm bảo duy trì cuộc sống cho gia đình và việc học hành của các con. Vậy nên việc này có thể giải thích được phần nào chuyện túng thiếu trong mùa dịch của một số gia đình công nhân. Nhiều gia đình thu nhập ổn lúc bình thường còn than thở mất thu nhập, giảm chi tiêu trong mùa dịch nữa là huống gì họ.
Riêng về phần tôi, năm nay 28 tuổi, mỗi tháng chỉ kiếm được tầm 17-18 triệu đồng, đủ lo thân và chưa có ý định kết hôn trong tương lai nếu không tăng được thu nhập gấp đôi hoặc ít nhất là 1,5 lần.
Khi nhớ đến mức chi tiêu của nhóm trung lưu như đã nói ở trên, tôi nhẩm tính rằng hoá ra mình cũng là tầng lớp trung lưu nhưng thuộc nhóm nghèo nhất của tầng lớp này. Mỗi tháng, tôi chi tiêu cho các khoảng ăn uống, xăng xe, cà phê, tiền thuê nhà vào tầm 9-10 triệu đồng, chiếm hơn 52% thu nhập.
Nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn, hoá ra tôi nhầm. Mức chi tiêu 250 nghìn đến 2,5 triệu đồng một người, một ngày để xếp vào nhóm trung lưu chỉ là mức chi tiêu cho ăn uống, đi lại thuần. Các khoản mua sắm, tích luỹ, khám chữa bệnh...không nằm trong khoản này và dĩ nhiên, định mức trên được áp dụng cho những người đã có đầy đủ nhà, xe.
>> Mua được nhà Sài Gòn mới tính chuyện sinh con
Khi biết được sự thật này, tôi càng củng cố niềm tin và đặt mục tiêu phải tăng thu nhập, ít nhất là mua được căn hộ trả góp rồi mới tính đến chuyện kết hôn. Tôi có thể tạm hài lòng, sống tạm ổn với thu nhập và chi tiêu như bây giờ. Nhưng nếu kết hôn và sinh con, tôi cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự và dĩ nhiên, chuyện con cái, học hành cũng không tiến xa hơn được vì không thể đầu tư tốt nhất cho con và gia đình được.
Tôi dự định như vậy, liệu có quá ích kỷ không? Bởi về vấn đề kết hôn và sinh con tôi thấy nhiều người lại có quan điểm là kết hôn, sinh con rồi cùng nhau cố gắng làm ăn, tăng nhu nhập.
Tôi thắc mắc rằng tại sao họ lại phó thác tương lai bản thân và gia đình vào một điều lý tưởng hoá như thế, bởi nếu có rủi ro và không đạt được các điều kiện giả định thì sẽ làm thế nào? Tại sao không bắt đầu bằng việc chín chắn hơn là cố tăng thu nhập, tích luỹ tài chính cho ổn thì hãy tính tới chuyện lập gia đình?
Hồng Đăng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.