Anh chồng đi làm ca ngày, cô vợ đi làm ca đêm. Cả ngày hai người chỉ gặp nhau vài chục phút ở giờ cơm chiều. Nếu cuối tuần nào tăng ca thì thời gian gần gũi nhau càng eo hẹp hơn. Cuộc sống hàng ngày có quá nhiều mối lo khiến họ tạm hoãn việc sinh nở để tập trung cho tài chính.
Mỗi cái Tết về quê ngốn đi vài chục triệu (vài tháng lương của hai vợ chồng). Muốn sinh con thì phải nín về quê vài năm. Chi tiêu cũng phải thắt lưng buộc bụng hơn. Bởi nhẩm tính tiền lo cho một đứa trẻ từ khi trong bụng mẹ đến khi ba tuổi gửi nhà trẻ được là rất lớn. Tiền khám thai định kỳ, tiền bồi bổ dưỡng thai, tiền đẻ, tiền sữa, quần áo, tả lót...và hàng trăm chi phí lặt vặt khác, chưa kể tiền dự phòng lúc trẻ ốm đau.
Không phải ngẫu nhiên mà xã hội ngày nay nhiều người mang tâm lý ngại đẻ con. Ba người bạn đại học của tôi đã kết hôn nhưng dường như chưa tính đến việc sinh con. Hai trong số đó chờ vãn nợ trả góp mua căn hộ, một thì chờ lên quản lý ở công ty mới tính đến việc sinh con.
Như vậy, có thể tạm kết luận rằng đa số người Việt đã không còn mang quan niệm "trời sinh voi sinh cỏ" như vài chục năm trước đây nữa. Ngày nay, người lao động phổ thông hay người có trình độ đại học đều ý thức được rằng việc sinh một đứa trẻ là việc trọng đại, không những tốn tiền bạc, thời gian chăm sóc mà quan trọng hơn, phải cố gắng gây dựng nền tảng để cho con cái ở được vạch xuất phát ngon lành nhất.
Trong khi đó, dưới góc nhìn xã hội, theo số liệu của Tổng Cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Y tế, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số vào năm 2011 và được dự báo sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038, khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20%. Mức tăng dân số của Việt Nam đang giảm dần đều. Trong một thập kỷ gần đây, dân số tăng trung bình 1% mỗi năm.
Dưới góc độ cá nhân và gia đình, đẻ hay không là quyền của mỗi người và mỗi cặp vợ chồng. Nhưng dưới góc độ xã hội, việc ngại đẻ của phần lớn cặp vợ chồng trẻ là một dấu hiệu đáng lo. Người Việt có câu "tre già măng mọc", nhưng theo tình hình hiện nay, tre đã già nhiều mà măng vẫn không chịu mọc thì đây là một thách thức lớn với an sinh xã hội trong tương lai.
Giai đoạn dân số vàng ở nước ta không còn nhiều. Nếu không nỗ lực thì rất có thể sẽ rơi vào tình trạng chưa giàu đã già. Lúc đó, việc có nhiều người già trong khi các điều kiện y tế, an sinh chưa thật sự tốt sẽ là một thử thách rất lớn cho xã hội.
Nhật Bản là một ví dụ điển hình của một nước bị già hóa dân số. Nhiều người dân nước này phải gửi gắm tuổi già cô quạnh trong các viện dưỡng lão. Thậm chí nhiều người qua đời ở nhà riêng một thời gian dài mới được phát hiện.
Đăng Thiện
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.