Thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng al-Qurashi, tên thật là Amir Mohammed Said Abd al-Rahman al-Mawla, đã tiếp quản quyền lực hai năm trước, khi người sáng lập Abu Bakr al-Baghdadi đánh bom tự sát trong cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm Mỹ vào tháng 10/2019.
Dù không nổi bật như người tiền nhiệm, al-Quraishi được biết đến là người rất thông minh, có khả năng suy tính chiến lược, theo Colin P. Clarke, nhà phân tích chống khủng bố tại Soufan Group, công ty tư vấn an ninh ở New York, Mỹ.
Là thủ lĩnh tàn bạo nhưng kín tiếng, al-Quraishi từng tránh được nhiều cuộc truy lùng của lực lượng tình báo Mỹ và Iraq. Al-Quraishi tiếp quản quyền lực vào thời điểm IS đã suy yếu sau nhiều năm bị lực lượng do Mỹ dẫn đầu truy kích, cũng như mất vị thế ở Syria và phía bắc Iraq.
Bộ Ngoại giao Mỹ từng treo thưởng 10 triệu USD cho ai bắt được al-Quraishi và liệt y vào danh sách kẻ khủng bố toàn cầu bị truy nã đặc biệt.
Al-Quraishi sinh ra ở thị trấn Tal Afar phía bắc Iraq và được cho là 45 tuổi. Ông ta từng phục vụ quân đội Iraq dưới thời tổng thống Saddam Hussein. Al-Quraishi sau đó gia nhập hàng ngũ al-Qaeda khi chính quyền Hussein bị lật đổ năm 2003, theo tổ chức CEP.
Năm 2004, al-Quraishi bị quân đội Mỹ bắt giam tại nhà tù khét tiếng Camp Bucca ở miền nam Iraq, nơi al-Baghdadi và hàng loạt thành viên của tổ chức IS sau này gặp nhau.
Sau khi những người này được trả tự do, al-Quraishi vẫn sát cánh khi Baghdadi nắm quyền lãnh đạo một nhánh al-Qaeda năm 2010 và sau đó thành lập Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Năm 2014, al-Quraishi giúp Baghdadi kiểm soát thành phố Mosul phía bắc Iraq. CEP cho biết al-Quraishi nhanh chóng khẳng định được bản thân trong hàng ngũ cấp cao của nhóm, được đặt biệt danh là "giáo sư" và "kẻ hủy diệt". Y được các thành viên khác tôn trọng như "nhà hoạch định chính sách tàn bạo" và chịu trách nhiệm "loại bỏ những người chống lại Baghdadi".
Al-Quraishi có lẽ được biết đến nhiều nhất với "vai trò chủ chốt trong chiến dịch loại bỏ người thiểu số Yazidi của Iraq thông qua các vụ thảm sát, trục xuất và bắt làm nô lệ tình dục", theo Jean-Pierre Filiu, nhà phân tích tại Đại học Sciences Po ở Paris, Pháp.
Ngày 3/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói "một mối đe dọa khủng bố" đã bị loại bỏ khi al-Quraishi kích hoạt đai bom tự sát trong chiến dịch đột kích của Mỹ ở Syria vào ban đêm.
Hans-Jakob Schindler, cựu quan chức Liên Hợp Quốc và hiện là giám đốc của CEP, gọi cái chết của al-Quraishi là "bước lùi lớn đối với IS" khi mất đi thủ lĩnh thứ hai. Tuy nhiên, IS được cho đã chuẩn bị sẵn kịch bản các thủ lĩnh bị tiêu diệt với những người tiếp quản mới.
Damien Ferre, giám đốc công ty tư vấn Jihad Analytics, nói di sản của al-Quraishi là sự củng cố của nhánh IS ở Afghanistan, vốn ngày càng hoạt động mạnh mẽ kể từ khi Mỹ đồng ý rút quân khỏi nước này năm 2020.
Các nhà nghiên cứu khác cũng cho rằng nhánh IS ở Hồ Chad, Tây Phi cũng trỗi dậy đáng kể, khi nhóm cố gắng thu hút các chiến binh từ hàng ngũ của nhóm khủng bố Boko Haram của Nigeria.
"IS đã lấy lại được động lực vào năm 2020 trước khi số lượng và độ hiểm hóc của các cuộc tấn công giảm vào năm ngoái", Ferre nói.
Ngày 20/1, các chiến binh IS đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất trong ba năm qua, khi tấn công nhà tù Ghwayran ở thành phố Hasakeh, phía đông Syria nhằm giải thoát thành viên, châm ngòi trận chiến khiến hơn 370 người thiệt mạng.
"Cuộc đột kích tiêu diệt al-Quraishi chắc chắn là đòn giáng mạnh vào nhuệ khí của IS sau vụ phá ngục Hasakah", Charles Lister, giám đốc chương trình Syria và Chống khủng bố cực đoan tại Viện Trung Đông ở Washington, đánh giá.
Thanh Tâm (Theo AFP, NY Times)