Ngày 27/7, Bình Nhưỡng tổ chức cuộc duyệt binh quy mô lớn kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, được nước này gọi là Ngày Chiến thắng. Ngoài sự góp mặt của Chủ tịch Kim Jong-un cùng quan chức Triều Tiên, lễ duyệt binh năm nay còn có những khách mời đặc biệt, gồm Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và phái đoàn Trung Quốc do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Lý Hồng Trung dẫn đầu.
Triều Tiên đã đóng cửa biên giới kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Người nước ngoài duy nhất chính thức được phép vào Bình Nhưỡng kể từ đó là tân đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên, người tới vào đầu năm nay. Ngay cả công dân Triều Tiên, như lao động ở Nga và Trung Quốc, cũng bị ngăn nhập cảnh vì lo ngại dịch bệnh.
Đối mặt với hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực, Bình Nhưỡng đã tìm thấy cơ hội để tăng cường liên kết với Bắc Kinh và Moskva. Bằng cách mời quan chức Nga và Trung Quốc tham dự cuộc duyệt binh, Triều Tiên có thể gửi thông điệp rõ ràng rằng Bình Nhưỡng vẫn có bạn bè, đối tác, bất chấp những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm kiềm chế cả ba nước, theo Michelle Ye Hee Lee, nhà phân tích của Washington Post.
Anthony Rinna, chuyên gia tại nhóm nghiên cứu Trung Quốc - Triều Tiên, đồng tình với nhận định này. Việc Triều Tiên phô diễn các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chiến lược trước mặt quan chức Nga, Trung gửi đi thông điệp rằng hai nước này đã ngầm chấp nhận quy chế hạt nhân của họ và mang lại cảm giác họ có những bên ủng hộ mạnh mẽ.
"Bình Nhưỡng có thể đang tìm cách củng cố câu chuyện rằng ba nước đang cùng đứng lên chống lại phương Tây", Rinna nói.
Triều Tiên, Nga và Trung Quốc ngày càng gắn bó hơn khi các nước đều tăng cường nỗ lực đối đầu Mỹ và đồng minh. Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến thăm Trung Quốc vào tháng 10 để thảo luận về hợp tác kinh tế sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Moskva hồi tháng 3, theo TASS.
Mỹ cáo buộc Triều Tiên hỗ trợ quân sự cho Nga trong chiến dịch ở Ukraine, điều mà cả Moskva và Bình Nhưỡng đều bác bỏ.
Thương mại song phương giữa Trung Quốc và Triều Tiên đang tiến gần tới mức trước đại dịch. Trong bức thư gửi tháng trước, ông Kim ca ngợi ông Tập vì đã tăng cường sức mạnh quốc gia và vị thế quốc tế của Trung Quốc.
Triều Tiên đã phóng thử hơn 100 tên lửa kể từ năm ngoái, nhưng Trung Quốc và Nga đã liên tiếp ngăn các dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp thêm lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng. Trong các cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Bắc Kinh và Moskva đổ lỗi cho chính sách "thù địch" của Washington với Bình Nhưỡng, cũng như liên minh quân sự ngày càng tăng của Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc, là nguyên nhân khiến Triều Tiên tăng cường hoạt động quân sự.
Ông Shoigu là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Nga tới thăm Triều Tiên kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, theo Michelle Ye Hee Lee.
"Thông điệp rất rõ ràng: Nga và Trung Quốc đang sát cánh cùng Triều Tiên bất chấp nước này tăng cường phát triển vũ khí và hạt nhân. Nó cũng báo hiệu rằng sau hơn ba năm đóng cửa biên giới nghiêm ngặt, Triều Tiên đang dần bắt đầu mở cửa", nhà phân tích này cho hay.
Trong năm qua, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yon Suk-yeol đã tìm kiếm đảm bảo mạnh mẽ hơn từ Mỹ rằng họ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Seoul nếu Triều Tiên phát động đòn tấn công hạt nhân, điều mà Bình Nhưỡng gần đây liên tục đe dọa.
Ông Yoon, người ủng hộ lập trường cứng rắn với Bình Nhưỡng, cũng bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản nhằm củng cố khả năng răn đe ba bên chống lại những bước tiến về hạt nhân của Triều Tiên.
Ngày 26/7, Chủ tịch Kim Jong-un đã dẫn ông Shoigu tham quan các loại vũ khí tiên tiến nhất của Triều Tiên tại triển lãm quân sự ở Bình Nhưỡng, trong đó có máy bay quân sự không người lái mới và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Nga và Triều Tiên tuyên bố sẽ tăng cường "tình hữu nghị và hợp tác quân sự" để đối phó với môi trường an ninh khu vực và quốc tế luôn thay đổi. Ông Shoigu cũng đã thay mặt Tổng thống Vladimir Putin đọc bài phát biểu chúc mừng gửi tới Triều Tiên.
Sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu "thể hiện thông điệp hợp tác quốc phòng Nga - Triều giữa xung đột Ukraine và sự cần thiết phải chống lại Mỹ cùng đồng minh", Patrick Cronin, người phụ trách an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson ở Washington, Mỹ, nói.
Ông Kim cũng tiếp đón phái đoàn Trung Quốc trong ngày 26/7, nơi ông Lý gửi cho lãnh đạo Triều Tiên lá thư của Chủ tịch Tập Cận Bình song không nêu rõ nội dung, theo truyền thông nhà nước Triều Tiên. Ông Kim cho biết chuyến thăm của phái đoàn Trung Quốc thể hiện lập trường coi trọng quan hệ hai nước của ông Tập.
"Sự kiện đã nhấn mạnh tình đoàn kết giữa Triều Tiên, Trung Quốc và Nga", Wi Sung-lac, cựu đại sứ Hàn Quốc tại Nga, nói và thêm rằng đây là lời đáp trả cho nỗ lực tăng cường quan hệ giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ông Lý là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tới thăm Triều Tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ông từng là bí thư của một số khu vực kinh tế quan trọng nhất của Trung Quốc như Thâm Quyến và Thiên Tân.
Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần này, phát ngôn viên Mao Ninh nhấn mạnh quan hệ lịch sử giữa hai láng giềng.
"Hai đảng và hai nước chúng tôi đã có truyền thống về tình hữu nghị tốt đẹp. Việc một phái đoàn cấp cao của Trung Quốc tới thăm Triều Tiên vào dịp kỷ niệm quan trọng cho thấy cả hai bên đều coi trọng mối quan hệ song phương", bà Mao nói.
Trong những năm gần đây, Bình Nhưỡng đã thấy được cơ hội từ sự lao dốc của quan hệ Mỹ - Trung để thu hút thêm ủng hộ cho nền kinh tế và chương trình vũ khí của mình, theo Patricia M. Kim, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Brookings ở Washington.
"Trung Quốc và Triều Tiên ngày nay có chung quan điểm rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực và mạng lưới liên minh ba bên với Hàn Quốc, Nhật Bản đang làm suy yếu lợi ích chiến lược của họ", chuyên gia Kim nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, WSJ)