Ông Kim Jong-un, Bộ trưởng Quốc phòng Kang Sun-nam và các quan chức Triều Tiên ngày 26/7 cùng phái đoàn Nga do Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu dẫn đầu tới thăm Triển lãm Vũ khí 2023 tại thủ đô Bình Nhưỡng. Sự kiện này do Bộ Quốc phòng Triều Tiên tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un giới thiệu cho Bộ trưởng Shoigu một số vũ khí mà Triều Tiên phát triển và biên chế gần đây, cũng như bình luận về xu hướng và chiến lược phát triển thiết bị quân sự trên thế giới. "Ông Kim Jong-un nhiều lần bày tỏ tin tưởng quân đội và nhân dân Nga sẽ giành được thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh xây dựng đất nước hùng mạnh", theo KCNA.
Ảnh chụp sự kiện cho thấy một số mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lớn nhất của Triều Tiên với tầm bắn khoảng 15.000 km như Hwasong-17 và mẫu Hwasong-18 dùng nhiên liệu rắn, phương tiện lướt siêu vượt âm đặt gắn trên tên lửa Hwasong-8, cũng như một số mẫu máy bay không người lái (UAV) cỡ lớn sử dụng động cơ phản lực và tua-bin cánh quạt.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng chuyến thăm của ông Shoigu "rất đáng chú ý" do các bộ trưởng quốc phòng Nga không thường xuyên công du Triều Tiên.
Một chuyên gia cho rằng "Nga có thể cần tiềm năng của ngành công nghiệp quân sự Triều Tiên trong lĩnh vực vũ khí thông thường, trong khi Triều Tiên có thể quan tâm tới chuyển giao công nghệ tên lửa từ Nga".
Mỹ nhiều lần cáo buộc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga dùng trong xung đột với Ukraine, cho rằng Moskva có thể đưa ra đề nghị "đổi lương thực lấy vũ khí" cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ không đưa ra bằng chứng cho thông tin này.
Moskva và Bình Nhưỡng nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Washington. Nga gọi đây là tin giả, trong khi Triều Tiên tuyên bố "Mỹ cố gắng bôi nhọ hình ảnh của chúng tôi bằng cách vẽ ra những thứ không tồn tại" và gọi đây là "động thái gây hấn nghiêm trọng".
Một chuyên gia tại Hàn Quốc nhận định Triều Tiên có thể "sẽ rất cẩn trọng về việc cung cấp vũ khí để Nga dùng trong xung đột với Ukraine", do các nước châu Âu có thể áp thêm các biện pháp trừng phạt.
Các phái đoàn Nga và Trung Quốc là những đoàn khách nước ngoài đầu tiên Triều Tiên tiếp đón sau khi áp lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt để đối phó với đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020. Triều Tiên năm ngoái nối lại một số hoạt động thương mại với Trung Quốc.
Nguyễn Tiến