Nga ngày 10/10 phóng hơn 100 tên lửa và UAV tự sát xuống Kiev cùng nhiều thành phố trên khắp Ukraine, khiến ít nhất 19 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương.
Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố đòn tập kích của Moskva là nhằm đáp trả vụ nổ cây cầu ở bán đảo Crimea hai ngày trước đó. Ông Putin gọi cuộc tấn công cầu Crimea là "hành động khủng bố" và tuyên bố đáp trả cứng rắn bất kỳ cuộc tấn công nào khác đe dọa an ninh Nga.
"Nếu những hành động khủng bố trên lãnh thổ của chúng tôi tiếp tục, phản ứng của Nga sẽ rất gay gắt và quy mô của chúng sẽ tương ứng với mức độ đe dọa mà Nga phải đối mặt", ông Putin nói trong cuộc họp Hội đồng An ninh Nga ngày 10/10.
Ông Putin nhiều tháng qua không ra lệnh tiến hành bất cứ cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào Kiev, mà giao tranh chủ yếu chỉ diễn ra ở vùng Donbass, trọng tâm của giai đoạn hai chiến dịch quân sự Nga. Tuy nhiên, những bước lùi của Nga trên chiến trường Ukraine gần đây đã khiến một số người có đường lối cứng rắn ở Nga thất vọng, yêu cầu Điện Kremlin có những động thái mạnh tay hơn.
Giới quan sát cho rằng đòn tập kích loạt thành phố Ukraine là lời đáp trả mạnh mẽ của ông Putin với những lời chỉ trích nhắm vào quân đội Nga và chiến dịch quân sự ở Ukraine, cũng như cho niềm tự hào bị tổn thương sau khi cầu Crimea bị tấn công.
Khi những hình ảnh về các cuộc tập kích tên lửa ở thành phố Kiev, Lviv hay Dnipro được lan truyền, một số quan chức cấp cao Nga và những người ủng hộ Điện Kremlin đã cảm thấy phần nào hài lòng.
"Chậm mà chắc. Nếu bạn vội vã làm mọi thứ, bạn sẽ chỉ là trò cười cho người khác", Margarita Simonyan, tổng biên tập RT, một người ủng hộ nhiệt thành của Điện Kremlin, viết trên Telegram, ám chỉ Nga có thể phản ứng chậm, nhưng một khi đã làm, quy mô sẽ rất lớn.
"Chúng tôi đã cảnh báo rằng Nga chưa bắt đầu một cách nghiêm túc", Ramzan Kadyrov, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya và là người gần đây chỉ trích quyết liệt các tướng quân đội Nga, bày tỏ sau đòn tập kích. "Bây giờ, tôi hoàn toàn hài lòng với cách cuộc chiến đang được tiến hành".
Những động thái gần đây của ông Putin, gồm sáp nhập 4 tỉnh Ukraine, phát lệnh động viên một phần và cuộc tập kích tên lửa ngày 10/10, cho thấy ông đang ngày càng làm theo những gì phe cứng rắn ở Moskva mong muốn, theo Igor Kossov, nhà phân tích của Kyiv Independent.
"Có vẻ đây chính là những gì họ đã thúc đẩy trong thời gian dài", nhà xã hội học người Nga Greg Yudin nhận định, thêm rằng ông Putin cần "xoa dịu" những người có quan điểm cứng rắn vào thời điểm này.
Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, tuyên bố các cuộc tập kích ngày 10/10 chỉ là khởi đầu. "Tập đầu tiên đã được phát. Sẽ có nhiều tập khác nữa", ông viết trên Telegram.
Simon Smith, người đứng đầu Diễn đàn Ukraine tại tổ chức tư vấn Chatham House, cho rằng không chỉ nhằm xoa dịu những người chỉ trích và đáp trả vụ tấn công cầu Crimea, cuộc tập kích của Nga còn nhằm gửi thông điệp răn đe tới Ukraine, gây hoảng loạn cho người dân nước này và cảnh báo rằng những điều nghiêm trọng hơn vẫn chưa xảy ra.
Vụ tập kích ngày 10/10 là đòn tấn công dữ dội nhất, quy mô lớn nhất của Nga nhằm vào Ukraine trong gần nửa năm qua. Tổng cộng 117 địa điểm đã bị tấn công, hàng chục trong số đó là các tòa chung cư, theo Kyiv Independent. Tình trạng mất điện diễn ra ở 15 khu vực, trải dài từ Lviv ở miền tây tới Kharkov ở miền đông.
"Nga đang tìm cách áp đảo hệ thống phòng không Ukraine. Đó là điều họ đã cố gắng làm trong suốt cuộc xung đột, nhưng chưa bao giờ ở quy mô như thế này", Justin Crump, giám đốc điều hành công ty tư vấn an ninh Sibylline, nói.
Andriy Yermak, một cố vấn cấp cao của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho biết Nga đang tìm cách "bẻ gãy ý chí của người Ukraine, để khiến chúng tôi mong cuộc chiến kết thúc bằng bất kỳ cách nào". Tuy nhiên, ông khẳng định Ukraine sẽ không lùi bước.
Câu hỏi mà nhiều người quan tâm hiện giờ là Nga có thể tiếp tục trút "mưa tên lửa" xuống các thành phố của Ukraine hay không. Đó là vấn đề gây nhiều tranh cãi, khi không ai thực sự biết rõ kho vũ khí của Nga như thế nào.
"Không ai biết chắc chắn Nga đã cất giữ bao nhiêu tên lửa trước xung đột và họ đang sản xuất bao nhiêu. Theo Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, hai công ty chế tạo tên lửa lớn của Nga chỉ tăng sản lượng khoảng 20%", nhà phân tích Igor Kossov cho hay.
Các chuyên gia cho rằng Nga có lẽ sẽ cần tăng cường sản xuất tên lửa nếu muốn tiếp tục thực hiện các vụ tập kích ồ ạt như ngày 10/10 một cách chính xác hơn, nhưng đây sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn. Các lệnh trừng phạt đã khiến Nga không thể nhập khẩu nhiều thiết bị điện tử tiên tiến để chế tạo tên lửa. Đồng thời, Nga cũng đang thiếu nhiều lao động lành nghề trong lĩnh vực này.
Điều này đồng nghĩa Nga có thể buộc phải sử dụng các tên lửa đời cũ có độ chính xác kém hơn để bù đắp cho những loại vũ khí công nghệ cao.
"Nga không thể duy trì cường độ tập kích như vậy, nhưng họ có thể làm điều đó định kỳ", Alina Frolova, chuyên gia quân sự tại Trung tâm Chiến lược Quốc phòng Ukraine, nhận định, khi cho rằng Moskva có thể đủ tên lửa để sử dụng trong vài năm, dù tất cả không phải là những mẫu tiên tiến hay có độ chính xác cao.
Ksenia Kirillova, chuyên gia của Quỹ Jamestown, đồng tình với nhận định này. "Theo như tôi biết, Nga có đủ tên lửa thời Liên Xô để tiếp tục các cuộc tấn công không chính xác nhưng ồ ạt", Kirillova nói.
Chuyên gia Smith nhận định cuộc tập kích ngày 10/10 không phải là yếu tố "thay đổi cuộc chơi". Tuy nhiên, ông thêm rằng Tổng thống Putin đã mở ra "một mặt mới" trong cuộc chiến, đẩy không khí chiến sự trở lại các đô thị Ukraine, khi đối mặt với đà tiến của đối phương trên chiến trường miền đông và miền nam.
"Nếu việc triển khai hàng trăm nghìn quân dự bị chưa được trang bị và huấn luyện tốt tới Ukraine sẽ dẫn tới tổn thất lớn, Tổng thống Putin sẽ tìm cách tấn công Ukraine từ khoảng cách xa hơn", ông nhận định.
Thanh Tâm (Theo Kyiv Independent, AP, Guardian)