Ukraine đang cáo buộc Nga tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ của mình bằng máy bay không người lái (UAV) tự sát, trong bối cảnh Moskva đối mặt với nhiều thất bại trên chiến trường. Các quan chức Ukraine hôm 5/10 cho biết Nga đã sử dụng mẫu UAV tự sát "Shahed-136" để tấn công thị trấn Bila Tserkva, cách thủ đô Kiev khoảng 80 km về phía nam, khiến một người bị thương và gây hư hại vài công trình.
Ukraine đang ngày càng cảnh giác về việc Nga tăng cường sử dụng UAV mà theo họ là do Iran cung cấp để nhắm vào các thành phố phía sau chiến tuyến. Tuy nhiên, sự việc hôm 5/10 là cuộc tấn công gần với thủ đô Kiev nhất kể từ sau khi Nga rút lui khỏi khu vực này, đặt ra thách thức mới cho quân đội Ukraine.
Bộ Quốc phòng Ukraine lần đầu tiên thông báo về việc Nga sử dụng UAV Shahed-136 hồi tháng trước, khi quân đội nước này mở đợt phản công chớp nhoáng ở tỉnh đông bắc Kharkov.
Kể từ đó, Bộ tư lệnh Không quân Ukraine liên tục ghi nhận các vụ UAV Shahed-136 tấn công vào các thành phố Odessa và Mykolaiv ở miền nam. Sau cuộc tấn công hôm 5/10 vào thành phố Bila Tserkva gần Kiev, quân đội Ukraine thông báo đã bắn hạ thêm 9 UAV nữa ở khu vực miền nam đất nước. Hình ảnh những chiếc UAV bị bắn hạ cho thấy dòng chữ Geran-2, giống mẫu Shahed-136 do Iran sản xuất.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng rất khó để xác định chắc chắn liệu UAV trong các bức ảnh do Ukraine cung cấp có thực sự là mẫu Shahed-136 hay không. Tuy nhiên, phần đầu cánh và hình dạng tổng thể của nó tương đồng với mẫu UAV xuất hiện trong các video tập trận của quân đội Iran, Michael Horowitz, nhà phân tích địa chính trị và an ninh, người đứng đầu bộ phận tình báo công ty tư vấn Le Beck, nhận xét.
Theo Christopher Tuck, chuyên gia về xung đột và an ninh tại Đại học Hoàng gia London, UAV tự sát tấn công bằng cách đâm trực diện vào mục tiêu. Chúng thường mang theo một đầu đạn nhỏ và trở thành loại vũ khí có độ chính xác và hiệu quả tương đối cao.
Phạm vi hoạt động của chúng là chủ đề tranh luận giữa các nhà phân tích. Về lý thuyết, UAV tự sát có thể hoạt động trong phạm vi hơn 1.900 km, nhưng trên thực tế có lẽ ngắn hơn nhiều.
"Dù vậy, chúng vẫn đủ sức tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở Ukraine khi được phóng từ các khu vực do Nga kiểm soát", Tuck nhấn mạnh.
Cả Washington và Kiev đều cáo buộc Tehran cung cấp UAV cho Moskva để sử dụng ở Ukraine, nhưng Iran bác bỏ.
"Cộng hòa Hồi giáo Iran coi cáo buộc chúng tôi giao UAV cho Nga để sử dụng trong xung đột ở Ukraine là vô căn cứ và không xác nhận điều đó", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran hôm 4/10 tuyên bố.
Điện Kremlin chưa bình luận về cáo buộc sử dụng UAV do Iran sản xuất gần đây ở Ukraine, nhưng phát ngôn viên Dmitry Peskov trước đó gọi những suy đoán rằng Iran cung cấp UAV cho Nga để sử dụng ở Ukraine là "trò lừa bịp".
Động thái đẩy mạnh sử dụng UAV tự sát diễn ra trong bối cảnh các lực lượng Nga đang hứng chịu thất bại liên tiếp ở Ukraine.
Một số nhà phân tích nhận định sở dĩ Nga chọn sử dụng UAV tự sát ở Ukraine để cải thiện năng lực tấn công tầm trung chính xác vì nước này đang cạn kiệt các loại vũ khí dẫn đường thông thường. Ukraine có lẽ sẽ cần nhiều hệ thống phòng không hơn nữa để chống lại UAV tự sát của Nga.
"Đây là mối đe dọa mới đối với tất cả lực lượng phòng thủ và chúng ta cần sử dụng mọi phương tiện sẵn có để chống lại chúng", phát ngôn viên không quân Ukraine Yuriy Ihnat nhấn mạnh.
Tuy nhiên, dù UAV đặt ra thách thức mới đối với Ukraine, chúng rất khó thay đổi cục diện chiến trường, chuyên gia Tuck lưu ý. Là vũ khí sử dụng một lần, các UAV tự sát sẽ nhanh chóng cạn kiệt.
Chúng cũng còn một số hạn chế về mặt công nghệ và độ tin cậy, trong khi quân đội Ukraine có lưới phòng không và tác chiến điện tử rất dày đặc, Michael Knights, chuyên gia quân sự tại Viện Chính sách Cận đông Washington ở Mỹ, cho biết. Theo ông, các dòng UAV mới thường thể hiện tốt nhất trong giai đoạn đầu, nhưng hiệu quả sẽ giảm dần khi đối phương tìm ra phương án đối phó.
"Về cơ bản, chúng chỉ là giải pháp tạm thời cho quân đội Nga vốn đang hứng chịu những bước lùi liên tiếp trên chiến trường Ukraine", chuyên gia Tuck nói.
Vũ Hoàng (Theo NBC News)