Tổng thống Vladimir Putin hôm nay ký ban hành luật, hoàn tất quá trình chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Nga 4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson.
Động thái này diễn ra sau hàng loạt bước leo thang gần đây của Nga, như lệnh động viên 300.000 quân dự bị hay cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ "toàn vẹn lãnh thổ". Những diễn biến này khiến các quan chức phương Tây lo ngại về nguy cơ khủng hoảng Ukraine vượt tầm kiểm soát, khi chiến sự đã kéo dài hơn 7 tháng và chưa có dấu hiệu kết thúc.
Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và hiện là giảng viên Đại học Hawaii Pacific, Mỹ, nói với VnExpress rằng ông Putin có ba mục tiêu khi thực hiện những bước đi này.
Mục tiêu đầu tiên là phát đi thông điệp quan trọng về mặt chính trị. Các quan chức Nga đã đề cập đến động thái sáp nhập 4 tỉnh Ukraine từ nhiều tháng trước, nhưng Tổng thống Putin dường như hy vọng quyết định sáp nhập được quốc hội thông qua sẽ tạo ra "sự đã rồi" trên bàn cờ chính trị với Ukraine và phương Tây.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố sau khi được quốc hội Nga thông qua và Tổng thống Putin ký phê chuẩn, hiệp ước sáp nhập 4 tỉnh Ukraine sẽ có hiệu lực và "không một lãnh đạo Nga nào trong tương lai có thể đảo ngược".
Theo chuyên gia Schuster, người nổi tiếng trong giới học thuật với các nghiên cứu về các vấn đề chính trị, quân sự của Nga và Trung Quốc, điều này phát đi thông điệp ngăn Ukraine tìm cách giành lại những vùng lãnh thổ này trong tương lai. Đồng thời, chúng cũng sẽ tạo nền tảng pháp lý, chính trị để Nga có thể hợp pháp hóa lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân khi "toàn vẹn lãnh thổ" bị xâm phạm.
Khái niệm "toàn vẹn lãnh thổ" giờ đây được Nga tính cả 4 tỉnh Ukraine vừa được sáp nhập. Nếu Ukraine thúc đẩy đà phản công vào 4 khu vực này, Nga có thể tuyên bố Kiev đang "xâm phạm lãnh thổ" và sử dụng "mọi công cụ, kể cả vũ khí hủy diệt ở mức độ khác nhau" như cảnh báo của ông Putin.
"Quyết định này cũng là một cách để ông Putin xây dựng sự ủng hộ về mặt chính trị, thuyết phục người dân Nga tham gia bảo vệ 'lãnh thổ' mới sáp nhập và hưởng ứng lệnh động viên", ông Schuster nhận định.
Abbas Gallyamov, nhà phân tích chính trị và từng là người viết diễn văn cho ông Putin, bình luận trên trang Moscow Times rằng quyết định sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukrain cũng là một nỗ lực của ông Putin nhằm tạo ra một thành công cho chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong bối cảnh lực lượng Nga gần đây liên tiếp bị đẩy lùi ở nhiều khu vực chiến lược.
Chiến dịch phản công chớp nhoáng được Ukraine phát động từ tháng trước đã khiến Nga mất đi nhiều phần lãnh thổ từng kiểm soát. "Bằng quyết định sáp nhập lãnh thổ, ông Putin tìm cách cho dư luận Nga thấy rằng chiến dịch quân sự vẫn đạt thành quả và đi đúng hướng", Gallyamov nói.
Ông Putin cũng hướng đến mục tiêu về tạo thế đứng chiến lược khi quyết định sáp nhập 4 vùng lãnh thổ, đặc biệt là Kherson và Zaporizhzhia ở miền nam. Đây là những địa bàn quan trọng có thể giúp lượng Nga củng cố kiểm soát bán đảo Crimea, nơi Nga đã sáp nhập vào năm 2014.
Việc sáp nhập hai tỉnh miền nam này giúp Nga tạo ra một vùng đệm giữa lực lượng Ukraine với bán đảo Crimea. "Lực lượng Nga khi củng cố thế đứng chân ở Crimea sẽ giảm khả năng Ukraine tiếp cận thị trường toàn cầu thông qua các cảng biển ở Odessa, cũng như giữ vị thế kiểm soát Biển Đen trong khủng hoảng hoặc xung đột", ông Schuster cho hay.
Mục tiêu thứ ba của ông Putin khi ký quyết định sáp nhập 4 tỉnh Ukraine là về kinh tế, theo chuyên gia Schuster. Vùng Donbass, gồm hai tỉnh Lugansk và Donetsk, có nguồn tài nguyên dồi dào như dầu mỏ, khí đốt, than đá và quặng sắt. Ngành công nghiệp của Ukraine dựa vào những nguồn tài nguyên đó và phần lớn cơ sở công nghiệp trọng yếu của nước này cũng được xây dựng ở Donbass.
"Kiểm soát các vùng lãnh thổ đó sẽ khiến nền kinh tế Ukraine giờ đây chỉ có thể chủ yếu dựa nông nghiệp", Schuster nói. "Tôi cho rằng thông qua các bước đi này, ông Putin đang hướng tới mục tiêu dài hạn là biến Ukraine thành một quốc gia phụ thuộc Nga bằng các biện pháp gây sức ép về kinh tế và quân sự".
Tuy nhiên, Schuster cho rằng Nga khó đạt được những mục đích này khi quyết định sáp nhập 4 tỉnh Ukraine. Động thái của ông Putin không thuyết phục được nhiều người dân ở các tỉnh vừa sáp nhập tình nguyện tòng quân, trong khi một số người Nga vẫn bày tỏ nỗi bất bình với các bất cập trong chính sách tuyển quân.
Quyết định của ông Putin còn gây lo ngại về nguy cơ xung đột Ukraine trở nên khó lường hơn, khi Kiev và đồng minh quyết không công nhận các vùng lãnh thổ mà Nga sáp nhập, trong khi một số quan chức ở Moskva cảnh báo sẽ không ngần ngại sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết.
"Thật khó dự đoán diễn biến chiến trường vào lúc này. Những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân có thể tiếp tục được đưa ra và đầu đạn hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ cũng có thể được khai hỏa. Tuy nhiên, Nga sẽ đặt ra tiêu chí khá cao cho hành động này", Matti Muukkonen, giáo sư luật tại Đại học Đông Phần Lan, nói.
Trong khi đó, chuyên gia Schuster lại cho rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine, vì chúng có thể dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng, trong đó có nguy cơ đối đầu quân sự với NATO nếu bụi phóng xạ lan đến lãnh thổ các thành viên của khối.
Giảng viên Đại học Hawaii Pacific cho rằng xung đột Nga - Ukraine sẽ giảm nhiệt khi những cơn mưa mùa thu xuất hiện, khiến các hoạt động tác chiến trên bộ gặp nhiều trở ngại. Cả hai bên sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu chiến lược của nhau.
"Ukraine sẽ tìm cách tiêu hao năng lực quân sự của Nga bằng cách phá hủy các kho đạn, sở chỉ huy và trung tâm vận tải. Trong khi đó, Nga sẽ tăng cường tập kích pháo binh, tên lửa, với hy vọng chặn đà phản công và bẻ gãy ý chí của Ukraine", ông Schuster nói.
Nga sẽ tận dụng thời gian chiến sự tạm lắng đó để củng cố lại lực lượng, cũng như huấn luyện lực lượng dự bị, trong khi phía Ukraine cũng lên kế hoạch cho giai đoạn tác chiến tiếp theo.
Chuyên gia Mỹ dự đoán xung đột sẽ leo thang trở lại khi mùa đông tới, vào khoảng giữa tháng 11, thời điểm mặt đất bị đóng băng và trở nên cứng hơn, cho phép xe tăng, thiết giáp có thể di chuyển dễ dàng hơn.
"Tôi nghĩ Nga sẽ tập trung giữ các lãnh thổ mà họ đang kiểm soát, nhưng có thể tiến hành các cuộc tấn công hạn chế để khiến lực lượng Ukraine rối loạn và thuyết phục người dân Nga rằng chiến dịch quân sự đang thành công", ông nói.
Chuyên gia này nhận định xung đột sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng tới, trừ khi hai bên có thể ngồi vào bàn đàm phán và thống nhất một giải pháp hòa bình.
"Nhưng tôi không thấy có khả năng này khi Tổng thống Volodymyr Zelensky đặt mục tiêu khôi phục tất cả lãnh thổ Ukraine bị mất và từ chối đàm phán với Nga nếu ông Putin vẫn nắm quyền", ông nói. "Do đó, chiến sự nhiều khả năng sẽ tiếp diễn tới khi một trong hai bên kiệt sức và buộc phải tìm kiếm lệnh ngừng bắn hay thỏa hiệp chính trị".
Thanh Tâm