Sáng nay 4/1, Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất. VnExpress phỏng vấn Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trước kỳ họp này.
- Kỳ họp bất thường được tổ chức dựa trên cơ sở nào, thưa ông?
- Theo quy định của pháp luật, Quốc hội họp 2 kỳ mỗi năm và họp bất thường khi cần. Kỳ họp bất thường được tổ chức trong điều kiện cần thiết, cấp bách, nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và thể chế hóa các chủ trương nghị quyết của Đảng, ngoài kỳ họp thường kỳ.
Thời gian qua, trong điều kiện dịch bệnh, Quốc hội khóa XV đã đổi mới phương thức hoạt động, tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất và thứ hai, tạo khởi đầu tốt đẹp cho cả nhiệm kỳ 5 năm. Đơn cử như, Quốc hội chủ động ban hành Nghị quyết số 30 - một sáng kiến lập pháp độc đáo, chưa có tiền lệ, trao quyền đặc thù, đặc cách, đặc biệt cho Chính phủ, Thủ tướng để nâng cao hiệu quả phòng, chống Covid-19.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức nhiều phiên họp bất thường và ban hành các nghị quyết quan trọng. Đó là việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; ban hành chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi năm 2021 để chi cho phòng, chống dịch; cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế, và quyết định tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV...
Như vậy, việc tổ chức kỳ họp lần này cũng nhằm thực hiện mục tiêu tối thượng trong hoạt động của Quốc hội là phục vụ nhân dân, vì sự phát triển của đất nước. Bốn nội dung Chính phủ sẽ trình Quốc xem xét đều là vấn đề quan trọng, cần giải quyết ngay.
- Tính cấp bách của những nội dung sẽ trình tại kỳ họp bất thường là gì?
- Đó là quyết sách liên quan đến phục hồi phát triển kinh tế, chính sách tài khóa, tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022 - 2023 và cả nhiệm kỳ. Nếu để đến kỳ họp tháng 5 thì sẽ chậm mất 5 tháng, trong khi chúng ta giải quyết muộn một ngày là kết quả đã rất khác. Do đó, cần phải có các kỳ họp bất thường là đòi hỏi tất yếu khách quan, nhưng không phải nhiệm kỳ nào trước đây cũng làm đươc như vậy.
Hay luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, cũng cần phải xem xét ngay để tháo gỡ những vấn đề về thể chế, không để các vướng mắc làm ách tắc sự phát triển của đất nước.
Việc xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Đông cũng đang là vấn đề cấp bách khi nước ta bố cục theo chiều dài Bắc - Nam, ngoài đường hàng không, đường biển thì đường bộ có vai trò rất quan trọng. Khi có cao tốc, sẽ tháo gỡ rất nhiều điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, giao lưu, giao thương hàng hóa, du lịch...
Còn vấn đề cuối cùng là về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Cần Thơ cũng phải quyết ngay, do đây là địa phương động lực của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Khi thành phố phát triển thì sẽ kéo các tỉnh khác cùng phát triển vì Cần Thơ là trung tâm của vùng.
- Cùng với kỳ họp bất thường, hoạt động của Quốc hội sẽ có những đổi mới nào khác trong năm 2022?
- Theo Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ ưu tiên xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử như dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu vào kỳ họp tháng 5/2022 và lần 2 vào kỳ họp tháng 10/2022, sau nhiều lần Chính phủ đề nghị lùi thời gian trình.
Đồng thời, Quốc hội sẽ tập trung khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong một số luật; kịp thời giải quyết các nút thắt về thể chế nhằm ứng phó hiệu quả với đại dịch. Đó là pháp luật về đầu tư, đấu thầu, tài chính ngân sách, thuế; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân...
Việc xây dựng luật sẽ được Quốc hội vào cuộc từ sớm từ xa, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tránh tình trạng "đun nước sôi chờ gạo người", việc cần thì không có để xem xét, thông qua; nội dung trình lại chưa thực sự cấp thiết; hoặc nội dung cấp thiết nhưng không được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Cách thức lấy ý kiến người dân vào các dự án luật sẽ được Quốc hội cải tiến căn bản. Bên cạnh việc đăng tải công khai dự thảo, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, hiệp hội sẽ tổ chức hội thảo để lấy ý kiến các nhóm chịu tác động. Những dự án được xem xét theo quy trình tại 2 kỳ họp thì sau khi Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất và được tiếp thu, chỉnh lý, dự kiến sẽ gửi đến Mặt trận Tổ quốc và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại diện cho người dân và doanh nghiệp) để lấy ý kiến về những thay đổi cụ thể, trước khi trình Quốc hội thảo luận lần thứ 2 và xem xét, thông qua.
- Ở trên ông đề cập đến những điểm mới của công tác lập pháp, vậy còn lĩnh vực giám sát thì sao?
- Năm 2022, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" và "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021".
Ủy ban Thường vụ giám sát 2 chuyên đề "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021" và "Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019-2021".
Lần đầu tiên, các Đoàn giám sát có sự tham gia của lãnh đạo một số cơ quan như: Ban Tổ chức Trung ương, Kiểm toán nhà nước, các chuyên gia là lãnh đạo các Bộ, ngành và đặc biệt là sử dụng tối đa các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Các Đoàn đại biểu Quốc hội phải tổ chức giám sát đối với cả 4 chuyên đề nêu trên; huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Mặt trận tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị, xã hội và chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3.
- Hoạt động chất vấn của Quốc hội sẽ tiếp tục được đổi mới theo hướng nào?
- Thực tế, hoạt động chất vấn trong suốt các nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua liên tục được đổi mới để nâng cao hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi chung. Theo quy định, Quốc hội tiến hành chất vấn theo nhóm vấn đề tại mỗi kỳ họp, đồng thời tại kỳ họp của năm giữa và năm cuối mỗi khóa, Quốc hội chất vấn tổng hợp, không theo chủ đề định trước.
Chế định này đã mang lại hiệu ứng tích cực, cho phép Quốc hội tập trung vào những lĩnh vực bức thiết, trong điều kiện thời gian chất vấn hạn chế. Tuy nhiên, việc này đôi khi chưa đáp ứng được thực tế cuộc sống sôi động, cho nên chúng tôi đang nghiên cứu tăng hoạt động chất vấn, giải trình tại Ủy ban Thường vụ, các cơ quan của Quốc hội.
Nếu mỗi cơ quan của Quốc hội dành một ngày cho hoạt động này thì Quốc hội sẽ có thêm hơn 10 ngày cho hoạt động chất vấn; có điều kiện đi sâu, tập trung vào những lĩnh vực do Hội đồng Dân tộc và các ủy ban phụ trách. Theo hướng này, nội dung chất vấn có thể là những lĩnh vực có nhiều vấn đề nhạy cảm như quốc phòng, an ninh, đối ngoại hoặc những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu, ít đại biểu chất vấn trong phiên họp toàn thể, nhưng các vị trưởng ngành lại có điều kiện được giải trình.