Chiều 3/6, Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình 2019.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Chính phủ đề nghị rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình năm 2019 và sẽ trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là dự án Luật đã được đưa vào chương trình năm 2019 nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đã ban hành kết luận số 36 về đẩy mạnh thực hiện nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. "Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không rút dự án Luật này ra khỏi chương trình như Chính phủ đề nghị mà lùi thời gian trình Quốc hội sang cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2020", ông Định nói.
Thảo luận sau đó, ông Lê Xuân Thân - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hoà cho rằng, đất đai luôn là vấn đề nóng. Từ năm 1987 đến nay, trải qua 32 năm, đã có bốn văn bản luật Đất đai với hai lần sửa đổi một số điều nhằm đáp ứng những vấn đề của thực tiễn.
Theo ông Thân, năm 2018, Quốc hội đã biểu quyết thông qua chương trình làm luật và pháp lệnh, trong đó có quy định rất rõ là kỳ họp thứ 7 (đang diễn ra) sẽ cho ý kiến lần đầu về sửa đổi Luật đất đai và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 8.
"Không hiểu vì sao Chính phủ lại xin rút khỏi chương trình, Thời gian thích hợp mà Chính phủ sẽ trình là thời gian nào? Nếu sau năm 2020 thì chúng ta chuyển nhiệm vụ từ Quốc hội khóa XIV sang Quốc hội khóa XV rồi", ông Thân nói và cho rằng, chỉ nên đồng ý cho Chính phủ lùi một năm, tức là lùi 2 kỳ họp. Theo đó, đầu năm 2020 Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào cuối năm để đáp ứng được yêu cầu quản lý đất đai thời gian tới.
Ông Lê Xuân Thân cho rằng, khá nhiều vấn đề phải sửa đổi trong Luật này, trong đó có việc thu hồi đất vì mục đích quốc gia, công cộng, quốc phòng an ninh; vấn đề giá đất, bồi thường cho người dân khi thu hồi đất; giá đất khi thực hiện các dự án BT...
"Cho đến nay, giá đất thị trường là giá nào cũng chưa có câu trả lời", ông Thân nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý - Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội cũng không tán thành việc lùi thời gian trình một số dự án luật có tính cấp bách như Luật Đất đai.
Theo bà Thuý, để phát triển kinh tế, ổn định xã hội, Quốc hội cần tập trung rà soát, sửa đổi ngay những vấn đề bức thiết trong thực tiễn, đơn cử như tình trạng người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; đất xây dựng khu du lịch tâm linh tới gần 1.500 ha, lớn hơn diện tích xây dựng sân bay Long Thành.
"Nếu quá khó khăn, phức tạp, tôi đề nghị Quốc hội có thể xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại 3 kỳ họp, nhưng với tâm thế quyết tâm làm trong nhiệm kỳ này", đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu nói.
Cuối năm 2017, Bộ Tài nguyên Môi trường công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để lấy ý kiến góp ý trong nhân dân. Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung 15 vấn đề của Luật Đất đai năm 2013, trong đó có bãi bỏ điều 130 quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; giao thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho UBND cấp huyện trong trường hợp thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân...
Luật Đất đai đầu tiên có hiệu lực từ ngày 8/1/1988 với sáu chương, 57 điều. Luật này sau đó được thay thế bởi Luật Đất đai 1993 ban hành ngày 14/7/1993 với bảy chương, 89 điều và có hiệu lực từ ngày 15/10/1993. Năm 2003, luật lại được sửa đổi, bổ sung với bảy chương, 146 điều. Lần sửa đổi tiếp theo vào năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014.