Trả lời VnExpress về việc thời gian tới Quốc hội, Ủy ban Thường vụ dự kiến sẽ có cơ chế đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đại biểu, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu ba nhóm nội dung đánh giá.
Đầu tiên, đại biểu phải bảo đảm tính chất đại diện xuyên suốt trong hoạt động của Quốc hội; tham gia xây dựng, tổ chức, triển khai thực hiện các chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Thứ hai, hoạt động của đại biểu phải hướng tới phản ánh và bảo vệ ý chí, nguyện vọng của người dân cả nước; coi đây là kim chỉ nam xuyên suốt hoạt động của mình. "Việc phản ánh hơi thở cuộc sống vào nghị trường phải có tính thực tiễn; trong hoạt động của mình, đại biểu phải có chính kiến, lý lẽ, bản lĩnh độc lập để đi đến cùng vấn đề", ông Cường nêu.
Thứ ba, đại biểu phải có kỹ năng, năng lực phân tích, phản biện, hoạch định chính sách; lựa chọn những vấn đề đưa ra bàn thảo tại Quốc hội ở tầm vĩ mô, quốc kế dân sinh như: phản ánh với Quốc hội về những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, về những chính sách lớn, về phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế thị trường, chuỗi cung ứng dịch vụ...
Theo ông Bùi Văn Cường, tiếng nói của đại biểu "không phải là tiếng nói của địa phương, của ngành, lĩnh vực mình mà của cử tri cả nước". Vì thế, một trong những đòi hỏi lớn lao nhất đối với mỗi đại biểu là sự gắn bó mật thiết và chịu sự giám sát của cử tri.
Người dân có thể đánh giá đại biểu Quốc hội ở hai khía cạnh, trước hết với tư cách là chính khách, "tức là cử tri đánh giá thông qua chất lượng xây dựng pháp luật như thảo luận, tranh luận, xem xét, thông qua các dự án luật; chất vấn các thành viên Chính phủ tại nghị trường; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và phản ánh ý kiến cử tri lên diễn đàn Quốc hội"
Cùng với đó, cử tri có thể đánh giá đại biểu qua trình độ chuyên môn nghiệp vụ; uy tín của chuyên gia và đạo đức, lối sống...
Ông Cường cho biết, Văn phòng Quốc hội sẽ nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin để người dân được đánh giá đại diện của mình tại cơ quan lập pháp; tham mưu việc này lên lãnh đạo Quốc hội xem xét, quyết định.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Bình Dương, ủng hộ việc đánh giá chất lượng đại biểu Quốc hội bởi "vấn đề này đã được cử tri đặt ra từ lâu". Với nhiều năm kinh nghiệm xây dựng Chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI), ông đề nghị cơ quan có thẩm quyền phải nghiên cứu kỹ để có thể xây dựng được hệ quy chiếu tương đồng, bình đẳng trong đánh giá 499 đại biểu.
"Hiện nay, Quốc hội đa dạng về cơ cấu, thành phần mang tính đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo; trong số đó chỉ gần 40% đại biểu chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm; chưa kể giữa người tái cử và trúng cử lần đầu cũng có khoảng cách về nhiều mặt", ông phân tích.
Ông Phạm Trọng Nhân cho rằng, trong khi điều kiện cho đại biểu hoạt động chuyên nghiệp còn hạn chế, thì từng đoàn đại biểu cần có giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng hoạt động. Tại đoàn Bình Dương, ông đang chỉ đạo lãnh đạo Văn phòng và bộ phận tham mưu phân tích, tổng hợp, theo dõi các vấn đề lớn, vấn đề cụ thể trong chương trình hành động của mỗi vị đại biểu để tham mưu, giúp họ thực hiện lời hứa trước cử tri một cách tốt nhất.
Thông qua đó, Văn phòng thay mặt lãnh đạo Đoàn và Mặt trận Tổ quốc, Ban Công tác đại biểu giám sát việc thực hiện lời hứa của đại biểu..
Với định hướng này, căn cứ vào chương trình xây dựng pháp luật hàng năm, Văn phòng và bộ phận tham mưu sẽ chọn lựa vấn đề, thu thập tài liệu, dữ liệu để cung cấp, giúp đại biểu nghiên cứu, làm cơ sở tham gia thảo luận, đóng góp trong quá trình lập pháp.
Bên cạnh đó, từ kết quả hoạt động giám sát các cấp, Văn phòng sẽ tách từng vấn đề nóng mà dư luận xã hội, cử tri quan tâm, đối chiếu với các quy định pháp luật, xem xét những bất cập, cung cấp cho các đại biểu trong đoàn cùng thảo luận, qua đó, đại biểu sẽ có tư liệu để phản biện, tranh luận hay chất vấn tại nghị trường.
Từng là đại biểu Quốc hội 4 khóa, ông Dương Trung Quốc nói đánh giá chất lượng đại biểu là rất cần thiết "nếu muốn Quốc hội mạnh".
"Quốc hội khóa XI do ông Nguyễn Văn An làm Chủ tịch đã làm tốt điều này, thời kỳ đó, nghị trường có những cuộc tranh luận, chất vấn sôi động, khiến nhiều vị Bộ trưởng phải giật mình", ông nêu đơn cử.
Trực tiếp quan sát nghị trường qua nhiều năm, ông Quốc nói các phiên thảo luận ở kỳ họp đầu tiên không phải lúc nào cũng sôi nổi ngay, vì một số lý do khác nhau, như nhiều đại biểu mới vào cuộc, đang làm quen với không khí ở diễn đàn Quốc hội. "Khóa XV, số lượng đại biểu chuyên trách đông hơn, nhưng trong số này rất nhiều vị mới lần đầu, cần có thời gian để làm quen với nghị trường", ông nói.
Ông chia sẻ kinh nghiệm bản thân là gửi tham luận đầy đủ cho ban tổ chức, còn khi thảo luận ở hội trường, với thời gian ít ỏi sẽ chỉ nêu những ý cơ bản, cố gắng tranh luận với những phát biểu trước mình, bỏ bớt những "thưa gửi, cảm ơn, cơ bản đồng tình"... vì "công thức đó đã quá lỗi thời".
"Một số người mang tâm lý Quốc hội là vĩ mô, chiến lược, nên toàn nói chuyện lớn như GDP, hội nhập thế giới, và thấy chuyện cái bánh mì, tắc đường là vụn vặt. Họ quên mất rằng cái vụn vặt ấy chính là đời sống của người dân", ông nhận xét và cho rằng mỗi đại biểu cần ý thức 5-7 phút phát biểu tại nghị trường là "thời gian hết sức quý báu".
"Quốc hội không nên chỉ là nơi để đại biểu trình bày mà đó phải là nơi đối thoại, tranh luận, phản biện, giám sát", ông nói.
Theo ông Quốc, đại biểu đăng đàn là thể hiện dân chủ, sử dụng quyền của mình, nên cần gạt qua một bên những e ngại về quan hệ cấp trên, cấp dưới. Như ở Quốc hội khóa XIV, ông ấn tượng với một nữ đại biểu Tây Nguyên có tinh thần "rất đáng khích lệ", thể hiện bản lĩnh cá nhân, và thể hiện được ý chí của người dân trong mỗi phát biểu.
Ngoài ra, ông Quốc cho rằng ở Quốc hội, biểu quyết là quan trọng nhất, nên muốn cử tri đánh giá được đại biểu của mình, thì cần công khai nút bấm của đại biểu khi đồng ý hay phủ quyết về một nội dung nào đó tại nghị trường.