Dự thảo nghị quyết một số cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 6, sáng 10/12.
Điểm mới trong cơ chế thí điểm cho Cần Thơ là đề xuất xã hội hoá dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu và khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho rằng đây là chính sách mới được bổ sung. Việc xã hội hoá là cần thiết để huy động các nguồn lực, nhưng đề nghị Chính phủ đối chiếu, rà soát thận trọng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách lưu ý việc áp dụng ưu đãi, tiêu chí chọn nhà đầu tư phải trên cơ sở tuân thủ luật về đầu tư, thuế, phí... Ông Cường cũng đề nghị làm rõ hơn tính kết nối nơi thực hiện dự án là Cần Thơ với các địa bàn có sông Hậu đi qua để phát huy tối đa hiệu quả dự án này và đánh giá kỹ tác động môi trường, có giải pháp khắc phục tiêu cực, tránh tình trạng sạt lở ảnh hưởng tới người dân.
Hiện, luồng hàng hải Định An - Sông Hậu nối từ Định An (Trà Vinh) qua Đại Ngãi (Sóc Trăng), TP Cần Thơ, TP Long Xuyên đến Châu Đốc (An Giang) có chiều dài toàn tuyến 234,7 km. Do đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách nói, việc thực hiện cắt khúc sẽ không giải quyết được căn bản mục tiêu khơi thông luồng lạch, dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Trong khi đó, một số ý kiến trong thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách lại cho rằng không nên đưa việc thí điểm xã hội hoá dự án đầu tư cụ thể vào dự thảo bởi "ưu đãi với một dự án cụ thể là chính sách mang tính thời điểm, áp dụng theo đời dự án". Việc áp dụng ưu đãi đặc biệt cho các dự án xã hội hóa như trên có thể sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng chính sách, tạo tiền lệ cho các trường hợp nạo vét luồng hàng hải tương tự khác.
Ông Hoàng Văn Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật đồng tình, dự án nạo vét này đi qua nhiều địa phương chứ không riêng TP Cần Thơ, nếu chính sách đặc thù chỉ thí điểm cho Cần Thơ - chủ đầu tư dự án nạo vét này, thì không hiệu quả, gây lãng phí. "Nếu chính sách này áp dụng cho cả tuyến dự án đi qua thì nên áp dụng, còn nếu không thì thôi", ông Tùng nhận xét.
Một điểm mới nữa là Chính phủ đề xuất cơ chế ưu đãi về thủ tục hải quan, thời hạn nộp thuế... khi đầu tư vào khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.
Ông Hoàng Văn Tùng cho rằng đây là sáng kiến mới và hay. Nếu thực hiện được sẽ góp phần phát triển TP Cần Thơ và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Song Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật băn khoăn, dự thảo nghị quyết hiện chưa nêu rõ quy mô, mô hình tổ chức hay cơ chế vận hành, bộ máy quản lý khu liên kết này. Nếu mô hình tổ chức của khu liên kết theo hướng là khu công nghiệp hay khu chế xuất thì luật hiện hành đã quy định, không phải điểm mới. Cùng đó, chưa rõ tiêu chí kiểm soát khi đưa ra chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi đầu tư vào khu liên kết sản xuất này.
"Đưa ra chính sách ưu đãi, nới cho doanh nghiệp thì phải có tiêu chí kiểm soát, chứ không phải mở toang. Chính sách ưu đãi trong khu liên kết này phải làm rõ thêm, trước khi trình Quốc hội", Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nói.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường bình luận, việc cho phép mọi dự án đầu tư tại khu liên kết đều được hưởng ưu đãi về thủ tục hải quan; miễn, giảm thuế, tiền thuê đất và các ưu đãi đầu tư khác là chưa chặt chẽ, công bằng, dễ dẫn đến lợi dụng pháp luật.
Ngoài ra, việc giao Thủ tướng quyết định cụ thể các nội dung như Chính phủ đề xuất là chưa hợp lý, vì "nhiều vấn đề sẽ không thuộc thẩm quyền, Thủ tướng sẽ không thể quyết định các nội dung trái luật".
Các ý kiến của thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng lưu ý, việc cho phép các dự án đầu tư tại khu liên kết được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt theo Điều 20 Luật Đầu tư (giảm thuế, tiền thuê đất, thủ tục hải quan...) cần được cân nhắc vì đó là mức ưu đãi đặc biệt lớn để áp dụng cho các dự án trên 3.000 tỷ đồng... Nếu các dự án trong khu liên kết không đáp ứng các tiêu chí mà vẫn hưởng ưu đãi đặc biệt thì có thể sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng chính sách và thu hút đầu tư tại các địa phương khác.
Cũng theo dự thảo nghị quyết, Chính phủ trình xem xét cơ chế thí điểm cho phép TP Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức trong nước và từ nguồn Chính phủ cho vay lại từ nguồn nước ngoài. Tổng mức dư nợ vay không quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.
Hằng năm, ngân sách trung ương sẽ bổ sung cho Cần Thơ không quá 70% số tăng thu từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương - địa phương và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%.
Bên cạnh đó, Cần Thơ được điều chỉnh mức thu, tỷ lệ thu một số loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục của Luật phí, lệ phí. Thành phố sẽ được hưởng toàn bộ số thu tăng thêm từ các khoản này.
Thẩm tra dự thảo nghị quyết cơ chế thí điểm cho Cần Thơ, thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách đồng ý việc thành phố có thể chủ động điều chỉnh một số loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách lưu ý, Cần Thơ cần có lộ trình phù hợp khi điều chỉnh phí, lệ phí; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; bảo đảm công khai, minh bạch.
Có ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống, sản xuất, kinh doanh. Do đó, theo ông, ban hành thêm hoặc điều chỉnh mức phí, lệ phí có thể ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp và kích cầu phục hồi kinh tế.
Cơ quan thẩm tra cũng đồng tình việc cho phép Cần Thơ được vay không quá 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Việc này nhằm tạo dư địa để Cần Thơ huy động tối đa nguồn lực, đột phá phát triển. Tỷ lệ dư nợ vay cũng tương đồng với mức dư nợ áp dụng tại Hải Phòng, Thanh Hoá hay Đà Nẵng.
Anh Minh